Viện Chăn nuôi tiết lộ công thức phối trộn thức ăn cho lợn, gà từ loại hạt Việt Nam có rất nhiều

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 21/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Khi sử dụng thóc, gạo tách trấu thay thế ngô trong khẩu phần ăn, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giảm 650 - 750 đồng/kg; lợn nái giảm 600 - 1.000 đồng/kg. Mức giảm này tương đương khoảng 170.000 - 200.000 đồng/con trong suốt quá trình nuôi lợn.
Bình luận 0

Công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà từ loại hạt Việt Nam có rất nhiều

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, phải nhập khẩu tới 70-80% nguyên liệu đầu vào.

Năm 2021, Việt Nam nhập 22,3 tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương, cám mỳ...)

Tháng 3/2022, giá ngô tăng 29,3%; khô dầu đậu tương tăng 33,4%; lúa mỳ tăng 49,5%... do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine, dẫn tới chi phí vận chuyển tăng vì đứt gãy nguồn cung nguyên liệu...

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, sản xuất trong nước năm 2021 đạt 4,5 triệu tấn cám gạo, 4,6 triệu tấn ngô, 43,2 triệu tấn lúa, 65,7 triệu tấn đậu tương, 1 triệu tấn phụ phẩm thủy sản, 88,9 triệu tấn phụ phẩm trồng trọt.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: dùng thóc, gạo tách trấu phối trộn thức ăn cho heo, giảm ngay 170.000 - 200.000 đồng/con - Ảnh 1.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2021, Việt Nam nhập 22,3 tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương, cám mỳ...). Ảnh minh họa

Ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 21,9 triệu tấn, tăng 7,9% so với năm 2020. Trong đó, thức ăn cho lợn tăng 22%, thức ăn gia cầm giảm 8,7% và thức ăn cho vật nuôi khác tăng 7,3%.

Tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng 80-85% giá thành chăn nuôi. Ông Thiếu cho hay, nếu áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng thức ăn thì chỉ cần giảm được 3% chi phí thức ăn cũng đã giảm được 2% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, ông Thiếu cho rằng, giải pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và tối ưu khẩu phần ăn cho vật nuôi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để giảm chi phí đầu vào.

“Phương pháp tự phối trộn được xem là giải pháp tình thế phù hợp với tình hình thị trường chăn nuôi hiện nay. Tùy theo nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm sẵn có tại từng địa phương, chúng tôi đưa ra những khẩu phần riêng cho từng vùng để bà con nông dân áp dụng, tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, lấy công làm lãi. 

Áp dụng biện pháp này, người nuôi vẫn có thể phát triển đàn lợn tốt mà vẫn đảm bảo được kinh tế. Đặc biệt, với việc tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng thức ăn, nâng cao chất lượng thịt”, ông Thiếu thông tin.

Viện Chăn nuôi cũng đưa ra công thức khẩu phần ăn sử dụng thóc cho gà lông màu nuôi thịt, gà đẻ lông màu, vịt thịt và vịt đẻ. Đối với các khẩu phần ăn nêu trên khi dử dụng gạo tách trấu thay thế ngô thì lợn con sau cai sữa có thể thay thế từ 58-100%; lợn thịt 50-100%; gà nuôi thịt lông màu 33-50%; vịt nuôi thịt 40-100%.

Từ công thức phối trộn thức ăn nêu trên, Viện Chăn nuôi đã áp dụng tại một số mô hình và cho hiệu quả rõ rệt. 

Theo đó, tại trang trại của bà Nguyễn Thị Kim Phượng, xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho (Cần Thơ) áp dụng phối trộn thức ăn cho lợn ngoại và đã hạ được giá thành sản phẩm khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: dùng thóc, gạo tách trấu phối trộn thức ăn cho heo, giảm ngay 170.000 - 200.000 đồng/con - Ảnh 2.

Nhờ cách phối trộn thức ăn bằng đậu tương, ngô, thóc cộng với men ủ, cá khô và một số vi lượng khác thì chi phí chăn nuôi của Công ty TNHH Anh Nguyên), xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã giảm đi đáng kể. Ảnh: Hải Đăng

Hay như mô hình tự phối trộn thức ăn cho lợn đen bản địa tại trang trại Lùng Phình (Công ty TNHH Anh Nguyên), xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà (Lào Cai). 

Hiện, công ty có hơn 1.000 con lợn thịt, nếu sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp thì mỗi ngày tiêu tốn đến cả chục triệu đồng. Nhưng từ khi cơ sở tự sản xuất thức ăn bằng đậu tương, ngô, thóc cộng với men ủ, cá khô và một số vi lượng khác thì chi phí chăn nuôi đã giảm đi đáng kể.

Bà Tô Ngọc Quỳnh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Anh Nguyên cho biết, nhờ áp dụng phương pháp phối trộn thức ăn bằng đậu tương, ngô, thóc cộng với men ủ, cá khô và một số vi lượng khác công ty đã giảm được nhiều chi phí. Đồng thời giúp bà con nông dân tiêu thụ được ngô, thóc và các nông sản của địa phương, công ty cũng chủ động được nguồn thức ăn thô. Đàn lợn có khả năng sinh trưởng và năng suất sinh sản tốt, hiệu quả chăn nuôi tăng 15%.

Viện Chăn nuôi tiết lộ công thức phối trộn thức ăn cho lợn, gà từ loại hạt Việt Nam có rất nhiều - Ảnh 4.

Khẩu phần thức ăn sử dụng thóc cho lợn thịt do Viên Chăn nuôi nghiên cứu, thử nghiệm trên thực tế.

Ông Thiếu đánh giá, nhờ sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo..., các mô hình chăn nuôi lợn thịt tại Tiền Giang, Lào Cai...vđã giảm được giá thành sản phẩm khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg tăng khối lượng.

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng công nghệ tự phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế... đã giảm chi phí thức ăn 10-15%/nái/năm so với mua thức ăn hỗn hợp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi là biện pháp góp phần hạ giá thành sản phẩm từ 400–1.000 đồng/kg. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục được nhân rộng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem