Dân Việt

Loài cá có tên "hảo hán" - nghe cứ ngỡ như bước vào truyện kiếm hiệp ở dãy Trường Sơn sắp tuyệt chủng

Hà Anh 23/03/2022 06:10 GMT+7
Ở thượng nguồn những con suối nhỏ, hẹp chảy ra từ dãy Trường Sơn có loài cá niên - được gọi là cá “hảo hán” - chuyên bơi ngược dòng ăn rong rêu nơi bọt tung trắng xóa, thịt chắc nịch... Cá niên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do các hình thức đánh bắt tận diệt.
Loài cá có tên "hảo hán" - nghe cứ ngỡ như bước vào truyện kiếm hiệp ở dãy Trường Sơn sắp tuyệt chủng - Ảnh 1.

Những người Cơ Tu với cách săn cá niên truyền thống

Hít một hơi thật sâu, Vũ cầm theo cây súng tự chế gắn mũi tên nhọn lặn xuống Vũng Bọt dưới làn nước lấp loáng nắng. Vũ dừng lại trước một hốc đá, đưa cây súng tự chế lên ngắm rồi bóp cò, mũi tên găm thẳng vào loài cá có tên cứ như bước ra từ trong truyện kiếm hiệp: Cá "hảo hán".

Vũ 30 tuổi, râu tóc bụi bặm, lớn lên cùng với núi rừng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi một nhánh của dãy Trường Sơn đâm thẳng ra biển. Tuổi thơ của Vũ là những buổi chiều cùng bạn bè kéo nhau ra Vũng Bọt, sông Cu Đê tìm những vùng nước sâu thỏa thích tắm mát và lặn bắn cá niên.

Loài cá có tên "hảo hán" - nghe cứ ngỡ như bước vào truyện kiếm hiệp ở dãy Trường Sơn sắp tuyệt chủng - Ảnh 2.

Thượng nguồn sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Trong ký ức của Vũ và nhiều người, trước đây Vũng Bọt, sông Bắc, sông Nam, sông Cu Đê loài cá niên nhiều vô kể. Những cậu bé Cơ Tu như Vũ được cha ông dạy cách săn cá niên bằng cách bắn súng từ bé. Súng tự chế của thợ săn cá niên là một thanh gỗ thẳng, đầu gắn dây cao su, phần báng súng kèm cò tự chế và một mũi tên bằng sắt mài nhọn. Để bắn được cá dưới nước không hề dễ, ngoài việc tập lấy hơi, nín thở lâu dưới nước, thợ săn cá phải tập bắn tên chính xác bởi cá niên bơi rất nhanh.

Theo tiếng Cơ Tu, cá niên được gọi là “A xiu hưr liêng”. Cá niên trưởng thành chỉ to hơn bàn tay người lớn, nặng 2-3 lạng. Có những trường hợp đặc biệt mà dân làng Tà Lang - Giàn Bí vẫn nhớ. Đó là khi một thanh niên địa phương tên Trần Xuân Tuấn lặn bắn được 12 con cá niên, mỗi con khoảng 5 lạng. Kỷ lục của Tuấn đến nay chưa ai phá vỡ.

Loài cá có tên "hảo hán" - nghe cứ ngỡ như bước vào truyện kiếm hiệp ở dãy Trường Sơn sắp tuyệt chủng - Ảnh 3.

Thượng nguồn sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Cá niên sống chủ yếu ở dưới những con thác, luôn bơi ngược dòng kiếm ăn ở nơi ngọn nước bọt trắng xóa nên thân hình chắc nịch, phần vây pha ánh nắng mặt trời nên có chút ngả vàng.

Đây loài cá không hề biết đến mệt mỏi, chúng được sinh ra như để thử thách, để đương đầu với sức mạnh thác ghềnh nên có thân hình dài, thon, xương cứng, thịt chắc và dai. 

Vì chỉ sống nơi nước xiết, có thói quen bơi ngược dòng, chỉ ăn rong rêu nên nhiều người ví von đây là loài cá có khí chất “hảo hán” của núi rừng.

Cá niên được chế biến bằng cách nướng trên than củi hoặc nấu với ớt hiểm... Dù chế biến theo cách nào đi chăng nữa cũng cần giữ được bộ lòng cá, vì đó là hương vị đặc trưng của cá niên. Cá niên chỉ ăn rong rêu, nên bộ lòng có vị đắng, nhưng ngọt hậu. 

Ai đã trót mê thì không thể quên được hương vị núi rừng này.

Loài cá có tên "hảo hán" - nghe cứ ngỡ như bước vào truyện kiếm hiệp ở dãy Trường Sơn sắp tuyệt chủng - Ảnh 4.

Một thành viên tổ bảo tồn cá niên hướng dẫn săn cá theo cách truyền thống

Từ bao đời nay, người dân Cơ Tu vùng thấp ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí của xã Hòa Bắc tin rằng, những sản vật mà núi rừng, thượng nguồn sông mang đến là quà tặng của thần linh, của Giàng. Họ nhất mực quý trọng những sản vật đó và sống nương mình vào thiên nhiên. Những người dân nơi đây luôn trăn trở về việc cá niên ngày càng ít bởi cách đánh bắt tận diệt.

Anh Trần Văn Trường (34 tuổi) một thợ săn cá niên kể: Trước đây, mỗi lần ra suối xách về vài ba kg cá Niên là bình thường. Nay có khi lặn cả buổi chỉ bắn được vài ba con. Giọng trầm xuống, anh Trường nói: Từ xa xưa, người dân Tà Lang - Giàn Bí chỉ lặn bắn cá niên trưởng thành để làm thức ăn, đãi khách quý và không buôn bán. Thế nhưng, thời gian gần đây, người miền xuôi lên đánh bắt và mua cá niên với giá cao để mang về cho các nhà hàng, quán ăn ở phố. Tùy theo kích thước, giá cá niên được mua từ 250.000 đến gần 500.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận, nhiều người vào sâu trong rừng, lên tận thượng nguồn để đánh cá niên theo kiểu tận diệt như kích điện, quăng lưới mắt nhỏ.

Ông Trương Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, thừa nhận tình trạng săn bắt tự do bằng các phương pháp tận diệt khiến cá niên cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước nguy cơ đó, cuối tháng 11-2021, UBND xã Hòa Bắc đã thành lập Tổ bảo tồn và phát triển bền vững cá niên tại thôn Giàn Bí - Tà Lang, gồm 30 thành viên, nòng cốt chính là những thợ săn cá niên điêu luyện trong vùng, am hiểu về sông suối, khe lạch có nhiều cá. Đây là hoạt động nằm trong Dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

Tổ sẽ được tập huấn kiến thức, kỹ năng để trở thành những tuyên truyền viên, vận động cộng đồng người Cơ Tu hiểu được giá trị của cá niên. UBND xã đã chọn 6 địa điểm khe suối làm khu vực bảo tồn, gắn biển cảnh báo, tuyệt đối không cho săn bắt để cá niên có nơi trú ẩn và sinh sản.

Tổ cùng với chính quyền địa phương tham gia các hoạt động kiểm tra, phát hiện các hành vi đánh bắt cá niên bằng xung điện, thuốc nổ, lưới mắt nhỏ. Ngày ra mắt, chính quyền và Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam (GEF) đã phát áo đồng phục, kính lặn, súng bắn cá thủ công cho các thành viên của tổ.

TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia GEF, cho biết, dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và đánh bắt, để loài cá niên tiếp tục phát triển, bơi ngược những dòng nước chảy xiết khắp núi rừng Trường Sơn.