Dân Việt

Ở vùng đất này của Bạc Liêu nông dân giấu bí quyết gì mà nuôi tôm cho năng suất cao gấp 10 lần nơi khác?

Chúc Ly - Ngọc Quyên 24/03/2022 09:41 GMT+7
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Bạc Liêu đã và đang xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả cao

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL. Thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trên 135.000ha (chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh).

Thời gian qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp những khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng.

Hiện nay, Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Nếu như năm 2015 - thời điểm Bạc Liêu bắt đầu áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, diện tích toàn tỉnh hơn 70ha. Đến năm 2020, diện tích này tăng lên hơn 2.250ha.

Đến năm 2021, toàn tỉnh có 23 công ty tham gia và 650 hộ dân, với diện tích thả giống hơn 3.730ha, sản lượng trên 72.960 tấn.

Bạc Liêu: Nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận tham quan các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao. Ảnh: CTV.

Theo đánh giá của các công ty và hộ dân thực hiện, điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm công nghệ cao là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm. 

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất cao hơn từ 10 đến 15 lần so với nuôi tôm thông thường.

Anh Long Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, cho biết, hiện nay đơn vị áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ siêu thâm canh 3 giai đoạn hồ nổi.

Doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước trong nuôi tôm. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay.

Công ty xây dựng 20 hồ tròn nổi, mỗi hồ có diện tích từ 500-800m2 được làm từ khung sắt tròn, phủ bạt và hệ thống xử lý nước thải theo quy trình Biofloc đã mang lại hiệu quả cao.

Bạc Liêu: Nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững - Ảnh 3.

Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh công nghệ cao. Ảnh: CTV.

Theo ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững. 

Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành cần tập trung làm tốt công tác vận động, chuyển giao để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được lan tỏa trong dân.

Hoàn thiện hạ tầng phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng. 

Hiện dự án được được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đi liền với triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Hiện nay tỉnh đã chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. 

Tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ NNPTNT, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận (ngành nông nghiệp đang thẩm định hồ sơ) và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Bạc Liêu: Nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững - Ảnh 4.

Nuôi tôm công nghệ cao giúp nông dân kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Ảnh: CTV.

Ông Lê Tấn Cận cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Trong đó, Bạc Liêu tập trung triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước", đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng (hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông,...) phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bạc Liêu: Nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững - Ảnh 5.

Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Bạc Liêu hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là 26.300ha. Ảnh: CTv.

Năm 2022, kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu trong thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là 26.300ha. Trong đó sản lượng tôm siêu thâm canh là 76.400 tấn. Mục tiêu của tỉnh trong tương lai gần là đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm…

Đồng thời triển khai công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường.