Clip: Rừng đinh hương của người dân bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Video: Cảnh Thắng
Vượt hàng trăm km từ thành phố Vinh lên bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An), trước mắt chúng tôi là núi rừng trùng trùng, điệp điệp.
Men theo con đường mòn với những dây gai chằng chịt, nhiều sên vắt, chúng tôi sững sờ trước vẽ đẹp hoang sơ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Trước mắt tôi là hàng trăm cây đinh hương nhiều năm tuổi, những cây đinh hương nhỏ hơn đang vươn mình dưới tán rừng xanh thẳm, được người dân chăm sóc bảo vệ như chính những người thân yêu.
Trước vấn nạn lâm tặc "xẻ thịt" những cánh rừng già ở các huyện miền núi Nghệ An vào những năm 1990, cánh rừng đinh hương ở bản Na Hang cũng bị đe dọa hàng ngày. Vì vậy, từ năm 1994, người dân bản Na Hang, xã Mai Sơn lập quy ước, rồi thành lập "biệt đội" đặc biệt để bảo vệ những cây đinh hương quý.
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, anh Lương Văn Nam (SN 1980, trú tại bản Na Hang) cho hay: "Vào thời điểm đó, tôi mới chỉ 17 tuổi, theo tập quán của người dân bản địa; mỗi khi dựng nhà là lại lên rừng chặt gỗ, kéo về. Nhiều người từ nơi khác vào rừng chúng tôi chặt cây gỗ bừa bãi, khiến nhiều cánh rừng già của quê hương bị tàn phá."
Thấy rừng già "chảy máu" bản làng bàn nhau ra quy ước giữ rừng, giữ rừng cây đinh hương. Nếu có gia đình nào trong bản dựng nhà tìm cách vào rừng chặt cây đinh hương thì sẽ bị phạt rất nặng.
Từ khi có quy ước đến nay, không một người dân trong bản vi phạm nên rừng đinh hương mới tồn tại sừng sững đến ngày hôm nay.
"Theo quy ước của bản, hàng tuần, hàng tháng, trưởng bản tổ chức "biệt đội" tuần tra kiểm đếm các gốc đinh hương trong rừng. Cây nào tự gãy thì mới cho người dân tận thu để làm nhà, còn nếu phát hiện có dấu vết chặt cây, cả bản sẽ "truy" và xử phạt", anh Nam cho biết thêm.
Cứ thế, suốt gần 30 năm nay, "biệt đội" đặc biệt ấy vẫn cần mẫn bảo vệ những cây đinh hương giữa rừng già. Người dân Na Hang coi những cây đinh hương như "báu vật" giữa đại ngàn.
Là một người tham gia "biệt đội" đặc biệt bảo vệ rừng đinh hương, anh Lương Văn Nam cho hay: "Hiện nay trên diện tích rừng tự nhiên của bản còn khoảng 100 gốc đinh hương loại cổ thụ, còn cây nhỏ mấy chục tuổi thì đếm không xuể. Biết gỗ đinh hương đắt nên nhiều người nhòm ngó lắm, nhưng dân bản tôi quyết phải bảo vệ. Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi cắt cử người đi kiểm tra một vòng".
Vừa nói, anh Lương Văn Nam cầm con dao quắm phát những cây dây leo phía trước dẫn đường cho chúng tôi. Càng đi chúng tôi càng tiến gần vào lãnh địa cây đinh hương được bảo vệ nghiêm ngặt của bản Na Hang. Nhìn bước đi của anh Nam, có thể nhận thấy mỗi lối mòn nhỏ trong khu rừng đinh hương anh đều thuộc hết, đến đâu có gốc đinh hương nào lớn bé anh cũng nắm như lòng bàn tay.
Tương lai cho bản làng Ha Hang
Đinh hương thẳng tắp, cao vút vượt ra khỏi tán rừng. Mùa rụng lá nên tán không còn được sum suê, thay vào đó là những cành gỗ khẳng khiu. Trên lớp thân cây nhuốm màu của thời gian với vẻ nâu mốc. Những bộ rễ chắc, bám sâu vào lòng đất, hút nhựa sống của đất trời.
"Nếu rừng đinh hương này mà rơi vào tay kẻ xấu, bị chặt bán được rất nhiều tiền. Nhưng gần 30 năm nay không ai dám vì làm điều đó sẽ phạm vào điều cấm của cả bản bị phạt nặng lắm", anh Nam vừa nói, vừa đưa tay phát những thân cây leo đang bám quanh gốc đinh hương cổ thụ.
Theo chân anh Nam chúng tôi tiếp tục "thăm" một gốc đinh hương có 3 thân lớn, mỗi thân một người ôm cũng không xuể. Phần rễ, gốc phía dưới đã phủ một lớp rêu xanh, thân đã mối, xù xì.
Tiếp đến là những khoảng rừng với 3 đến 5 cây đinh hương đứng cách nhau chỉ từ 7-10 m, xung quanh là những cây nhỏ hơn đang phát triển.
Anh Kha Văn Ba - Bí thư Chi bộ bản Na Hang chia sẻ: "Ngay từ khi có quy ước của bản, việc bảo vệ rừng cây đinh hương là nhiệm vụ chung của người dân trong bản. Trước đây, có nhiều người ở nơi khác cũng muốn phát rẫy ở đây, nhằm mục đích đốn hạ những cây đinh hương, nhưng bà con kiên quyết không cho. Mọi người cùng đồng lòng bảo vệ, với dân bản đây là những tài sản vô giá, là báu vật đó".
Bà Vi Thị Hương – Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, huyện Tương Dương cho hay: "Từ khi có biệt đội đặc biệt của người dân bản Na Hang và bản quy ước của dân bản thì "lâm tặc" không còn xuất hiện tại khu rừng đinh hương mà bà con bản Na Hang quản lý nữa. Nhờ đó, hàng trăm cây đinh hương được chăm sóc bảo vệ, rừng vẫn xanh tốt để sau này cho con cháu".