Sau khi tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Dân Việt đã đến ghi thực tế tại "Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp" (Khu di tích lịch sử quốc gia).
Xây dựng công trình phụ không phép
Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp (thuộc địa phận thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), là khu căn cứ kháng chiến lừng lẫy một thời của quân và dân tỉnh An Giang. Địa hình tự nhiên hiểm trở với hang động lắt léo, sâu bên trong ngọn đồi cao khoảng 300m, được cấu tạo từ nhiều tảng đá granite dựng đứng, cheo leo.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khuôn viên khu di tích lịch sử được xây dựng thêm nhiều công trình phụ, như: Nhà tưởng niệm, nhà gỗ và các công trình phụ phục vụ tham quan du lịch.
Điều "lạ" ở đây là tại công trình "Nhà tưởng niệm" nằm ngay trung tâm đường vào các hang bên trong khu di tích, ngoài bức phù điêu các chiến sĩ, một ly hương cho khách tham quan thắp hương thì có một "Thùng công đức" được đặt ngay góc phải trong nhà tưởng niệm. Nhiều du khách đến tham quan thắc mắc: Khu di tích lịch sử cấp quốc gia mà để thùng công đức thì có gì đó không hay lắm!
Không những thế, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tại điểm du lịch này công ty còn tăng giá vé từ 40.000 đồng/vé người lớn lên 100.000 đồng/vé, từ 20.000 đồng/vé trẻ em lên 50.000 đồng và có thêm vé phụ vào tham quan các hang là 30.000 đồng/vé.
Khu vực Vùng bảo vệ I, vùng phải được bảo vệ nguyên trạng (hệ thống các hang động), tại hang Hội trường C6, một trong những hang trung tâm của Khu di tích lịch sử, ngay cửa hang công ty đặt thêm một số hình nhân mô tả các chiến sĩ, tay đang ôm súng đứng canh gác! Tất cả những hình nhân này đều không có theo nguyên trạng của hang Hội trường C6.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: "Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp" trước đây UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty du lịch An Giang quản lý, khai thác, tuy nhiên sau khi cổ phần hoá trở thành Công ty CPDL An Giang thuộc Tập đoàn Sao Mai quản lý, khai thác".
"Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp đưa vào làm du lịch là cần thiết, để quảng bá điểm di tích lịch sử cũng như du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua Công ty CPDL An Giang đã thu giá vé không hợp lý. Việc thu vé tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp phải thông qua HĐND tỉnh, nhưng công ty tự tăng giá là sai.
Về việc Công ty CPDL An Giang xây dựng các công trình phụ tại khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp là không sai, nếu như đảm bảo 2 điều kiện: Một là không phá vỡ di tích cũ; hai là phải đảm bảo đủ điều kiện đầu tư xây dựng. Nhưng ở đây Công ty CPDL An Giang lại tự ý xây dựng mà không xin phép, chưa có sự thỏa thuận của cấp thẩm quyền thỏa thuận về hồ sơ thiết kế đầu tư xây dựng"- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang khẳng định.
Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh An Giang gửi UBND tỉnh An Giang, ngày 17/2/2022, cũng đã yêu cầu Công ty CPDL An Giang báo cáo công tác đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục tại Di tích lịch sử Đồi Tức Dụp từ khi tiếp quản đến nay; công bố, niêm yết giá vé tham quan tại điểm tham quan và điểm du lịch theo đúng như quy định.
Tuy nhiên, trưa ngày 22/3, ghi nhận thực tế của phóng viên, tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp vẫn bán vé vào tham quan với giá 100.000 đồng/vé người lớn, phụ thu xe điện 20.000 đồng/người.
Tác động vào nguyên trạng di tích lịch sử?
Khi phóng viên đi thực tế vào các hang trọng điểm, thuộc khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, như: Hang Hội trường C6, hang Tỉnh ủy, hang Ban Tuyên giáo, hang Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hang Huyện đội, hang Cơ quan phụ nữ… ghi nhận nhiều khối đá trong hang đã bị tác động cắt xẻ, tạo thành những bậc tam cấp, những lối đi thoáng, rộng hơn.
Thậm chí có nhiều đoạn lối đi trong các hang được sang lấp bằng phẳng, lát đá, tráng xi măng phẳng lì; có đoạn những tảng đá bị cắt xẻ còn bỏ ngổn ngang… Các khối đá bị cắt xẻ, "cải tạo" nhiều nhất là ở lối vào hang Tỉnh ủy, hang Ban Tuyên giáo…
Đáng chú ý nhất là nhiều đoạn đường trong các hang còn được lót sạp qua các khe đá bằng khung sắt; những chiếc cầu bằng sắt, có tay vịn lan can cũng bằng sắt và được sơn màu sặc sỡ đủ màu như ở một công viên giải trí…
Chị Ánh Hồng, một khách du lịch ở TP.Long Xuyên, An Giang, chia sẻ: "Là một người con của An Giang lần đầu tiên đặt chân đến khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp tôi rất xúc động khi tận mắt nhìn và trải nghiệm luồn lách trong các hang động. Sau khi tham quan tôi hiểu hơn về lịch sử về chiến công vẻ vang của các anh, các chú, đã dựa vào thế núi hiểm trở, bám trụ các hang để viết nên lịch sử hào hùng cho quê hương đất nước.
Nhưng lần trở lại thứ 2 trở lại này, khi tôi đưa các con bước vào các hang động tôi rất bất ngờ vì các hang bị tu sửa quá nhiều, việc đi lại trong hang dễ dàng khiến con cháu chúng tôi không cảm nhận hết được ý nghĩa chiến công vẻ vang của ông cha mình, tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc".
Khi phóng viên phản ánh về việc các hang động tại khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp bị tác động ở khu vực bảo vệ I, không còn đảm bảo nguyên trạng, làm giảm đi ý nghĩa lịch sử, ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết ghi nhận phản ánh của phóng viên và sẽ cho bộ phận chuyên môn kiểm tra.
Còn ông Trần Minh Trí – Tổng Giám đốc Công ty CPDL An Giang cho rằng: "Không có gì thay đổi trong đó (các hang trong đồi – PV), các hang còn đúng vị trí, hang C6 vẫn ở đó, hang Tỉnh ủy, hội phụ nữ… vẫn ở vị trí đó, không có gì tác động làm thay đổi lịch sử.
Vì cấu trúc các hang bằng đá granite nên rất cứng, đâu dễ đục đẽo được. Có chăng là ở những đoạn đường đi chông chênh, bập bênh chúng tôi làm vài bậc thềm, thay những tấm ván mục gãy bằng bắc những bước tạo thành một, hai cây cầu để du khách thuận lợi khi đi tham quan".
"Còn việc chúng tôi mua một số hình nhân ôm súng canh gác cửa hang (lối vào hội trường C6) cho thực tế hơn. Nếu Sở VHTTDL không cho đặt trong hang thì tôi vác ra ngoài đặt.
Vì hang động rất cao và đi lại khó, nên công ty chúng tôi xây dựng Nhà tưởng niệm để các cựu chiến binh khi đến tham quan, không đi vào được các hang thì có thể thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại nhà tưởng niệm. Riêng "Thùng công đức", nếu không cho chúng tôi đặt trong nhà tưởng niệm thì chúng tôi mang ra ngoài" – ông Trí nói.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: Sở đã thành lập đoàn kiểm tra việc khắc phục các yêu cầu theo báo cáo của Sở gửi UBND tỉnh An Giang ngày 17/2/2022, nếu công ty chưa khắc phục thì ngành sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh xem xét; Nếu cần sẽ có biện pháp chế tài!
Theo Luật Di sản Văn hoá, tại điểm a, khoản 1, điều 32, quy định: Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng.
Và tại điểm b quy định Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Cũng tại khoản 2, điều 32 Luật di sản Văn hóa quy định: Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này đối với di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.