Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay nên cân nhắc giảm loại thuế này để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Thưa ông, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng xa xỉ nhưng lại đang phải chịu một mức thuế TTĐB khá cao. Theo ông, đây có phải là một bất cập?
Sắc thuế nào cũng có mục tiêu và chức năng riêng của nó. Trong đó, thuế TTĐB là sắc thuế điều tiết hành vi người tiêu dùng với các loại sản phẩm không được khuyến khích. Nó bao gồm những sản phẩm tiêu dùng không mang lại lợi ích chung cho xã hội, cần hạn chế. Tuy nhiên, do không cấm sử dụng được nên dùng sắc thuế để hạn chế hành vi tiêu dùng.
Đối với xăng, dầu là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Không có nó, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải không vận hành được. Tuy nhiên, mặt hàng này lại có lý do để áp thuế TTĐB, bởi đây là mặt hàng có thể gây ra những yếu tố ô nhiễm môi trường, là tài nguyên không thể tái tạo nên phải hạn chế tiêu dùng.
Việc hạn chế tiêu dùng không chỉ đơn thuần tiết kiệm cho người tiêu dùng mà còn tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải. Thuế TTĐB với mặt hàng này để khuyến khích người tiêu dùng dùng ít đi và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch thay thế.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và xăng, dầu được coi là “huyết mạch” nhưng mặt hàng này lại đang có giá cao kỷ lục, trong đó có nguyên nhân từ các loại thuế, phí. Vậy có nên giảm thuế TTĐB với mặt hàng này không, thưa ông?
Thuế TTĐB là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng, dầu và nhập khẩu phải nộp. Hiện tại, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng 10%, nhập khẩu 10%; tiêu thụ đặc biệt 10% và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng). Như vậy, ước tính bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng 42 - 43% đối với xăng và 21 - 27% đối với dầu.
Thuế TTĐB có tác dụng định hướng hành vi, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, sạch mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành, cam kết với quốc tế. Thế nên, việc phải giảm hay bỏ ngay thuế TTĐB với xăng e là còn nhiều rào cản. Tuy nhiên thực tế hiện nay, trước việc giá xăng, dầu thế giới biến động từng ngày, chi phí của DN, người dân cũng vì thế mà tăng lên, áp lực lạm phát hiển hiện…
Đặc biệt, trong bối cảnh xăng, dầu chưa có được nguồn năng lượng thay thế hữu hiệu, việc tiêu thụ khá phổ biến… thì việc giảm thuế TTĐB trong một thời gian như đối với thuế bảo vệ môi trường cũng là điều cân nhắc. Mức giảm cần cân đối ở mức hợp lý để người dân vẫn có ý thức tiết kiệm, nhưng không làm tăng chi phí đầu vào ở các ngành sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Việc giảm thuế TTĐB với xăng, dầu có thể sẽ làm ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu đi một phần. Nhưng Chính phủ cũng có thể trình Quốc hội những cách thức để bù đắp hoặc không tạo gánh nặng cho ngân sách, chẳng hạn như giảm chi một số nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách.
Thực tế hiện nay, một số mặt hàng từng được coi là xa xỉ phẩm đã trở thành thiết yếu và phổ cập, bên cạnh đó lại xuất hiện những mặt hàng cao cấp mới chưa bị đánh thuế TTĐB... Vậy, chính sách thuế TTĐB có còn phù hợp và nên có sự thay đổi thế nào, thưa ông?
Thuế TTĐB được Quốc hội ban hành năm 1998 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1999. Thực tế từ khi ban hành đến nay, Quốc hội đã có nhiều lần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn nền kinh tế - xã hội, với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn, với chính sách điều tiết của Nhà nước trong từng thời kỳ. Thời điểm mới ban hành, không chỉ có xăng các loại, mà các chế phẩm liên quan đến xăng cũng phải chịu thuế TTĐB với thuế suất 15%. Nhưng đến năm 2008, Quốc hội ban hành thuế TTĐB mới. Xăng các loại và các chế phẩm liên quan chỉ phải chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%.
Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Đến luật này, chỉ có các loại xăng là chịu thuế TTĐB, còn các chế phẩm liên quan đến xăng được bỏ ra khỏi đối tượng chịu thuế này. Thuế suất cũng được cập nhật vì có thêm xăng E5, E10 và thuế suất lần lượt là 7%, 8%. Xăng các loại khác thì vẫn thuế suất 10%.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế TTĐB cũng còn những hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB. Theo đó, cần rà soát lại các đối tượng đang chịu thuế để nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất TTĐB phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, trên cơ sở phân loại các nhóm mặt hàng cần thực hiện chủ trương điều tiết đúng hướng sản xuất, tiêu dùng và phân phối thu nhập để đưa thêm một số hàng hóa, dịch vụ và đánh thuế TTĐB.
Hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều mặt hàng là tiêu dùng cao cấp nhưng chưa bị đánh thuế TTĐB. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu, góp phần tăng tỷ trọng thu thuế TTĐB trong tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!