Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường. Qua đó, giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.
Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường mức đề nghị của Quốc hội. Chính sách điều chỉnh được áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, ngày 21/3, giá xăng lần đầu tiên giảm sau 6 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít (giảm 650 đồng); RON 95 là 29.190 đồng/lít (giảm 630 đồng).
Nếu được giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5 RON 92 còn 26.330 đồng/lít; RON 95 là 27.190 đồng/lít. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dư địa để xem xét giảm thuế vẫn còn, các nhà điều hành cần cân nhắc.
Cụ thể, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nêu quan điểm, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022.
Theo vị chuyên gia phân tích, mức giảm hiện nay do Bộ Tài chính đang đề xuất là cố định. Trong khi đó, phương án miễn, giảm các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn.
Ngoài ra, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
"Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế, nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ", ông Thịnh nói.
Phân tích kỹ hơn về thuế tiêu thụ đặc biệt, TS. Nguyễn Tiến Thỏa Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, loại thuế này là để điều tiết việc tiêu dùng xăng dầu, hạn chế tiêu dùng lãng phí. Có thể nhìn thấy trong chính các loại xăng, xăng sinh học được áp thuế thấp hơn để khuyến khích sử dụng.
Theo ông Thỏa nhận định, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để kìm tốc độ tăng của giá xăng dầu có thể tính đến như một biện pháp tình thế.
Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Thỏa lấy ví dụ, tại thời điểm giá dầu 147 USD/thùng, giá xăng trong nước chỉ 25.000 đồng/lít xăng, nhưng hiện nay giá dầu chỉ hơn 110 USD/thùng, giá xăng trong nước lên tới gần 30.000 đồng/lít.
Điều này là do, khi giá dầu 147 USD/thùng, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% - biện pháp tình thế để kiểm soát lạm phát. Thậm chí, có lúc nhà nước đã áp dụng thêm biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá các mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá của nhà nước.
"Đấy là một sự vô lý, đầu vào thì theo cơ chế thị trường nhưng đầu ra lại áp đặt giá. Ví dụ như ngành điện, nếu chạy bằng xăng hay dầu thì khi 2 nguyên liệu này biến động, không thể bắt các đơn vị này không được tăng giá", ông Thỏa nhấn mạnh.
Tính đến việc lâu dài trong điều hành thị trường xăng dầu, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở việc tăng cường dự trữ.
"Qua kỳ chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương cho biết, dự trữ xăng dầu chỉ ở mức 5 – 7 ngày, đây là mức quá thấp. Việc dự trữ xăng dầu sẽ giúp bình ổn giá xăng dầu nội địa trong trường hợp thị trường thế giới có biến động. Giả sử diễn biến Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu lên mức gần 200 USD/thùng như một số chuyên gia quốc tế dự báo, với mức dự trữ thấp, chúng ta điều hành thế nào?", ông Phú bày tỏ quan ngại.
Ngoài thuế phí, các chuyên gia cũng đánh giá, cần tái cấu trúc lại ngành xăng dầu, loại bỏ những điều vô lý trong công tác điều hành như áp lợi nhuận định mức, doanh nghiệp có sự chủ động hạch toán kinh doanh, nguồn cung…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.