Dân Việt

Kể chuyện làng: Bức tranh màu xanh trong miền nhớ

Nguyễn Thị Kiều Trang 26/03/2022 06:35 GMT+7
Từ khi sinh ra, tôi đã mang gốc gác của một đứa trẻ ở vùng nông thôn.

Cũng giống như nhiều đứa trẻ nông thôn khác, bầu bạn với chặng đường khôn lớn của chúng tôi là mấy sào ruộng xanh mơn mởn, là tiếng ầu ơ ví dầu của bà mỗi độ trưa hè bên chiếc chõng tre dưới gốc dừa già, là vườn rau xanh trước ngõ với sum sê những hoa thơm quả ngọt do chính tay mẹ trồng và chăm bón.

Kể chuyện làng: Bức tranh màu xanh trong miền nhớ - Ảnh 1.

Bức tranh màu xanh quê nhà hiện về trong nỗi nhớ. Ảnh: Kiều Trang

Đứng trước nỗi nhớ về một màu xanh quê nhà, ký ức tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, lấm lem bùn đất nhưng sực mùi thơm của rơm rạ lại ùa về dữ dội trong tâm trí tôi. Thời đó, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giỏi, lên tám tôi đã biết đến việc phụ mẹ chăn trâu ngoài đồng cỏ. Cảm giác được nằm thõng thượt trên bãi cỏ, vắt chân bên này lên đầu gối chân kia, thủ thỉ những câu chuyện trên trời dưới đất, đôi khi còn tổ chức chơi trò rượt đuổi nhau với lũ bạn, lắng nghe tiếng nhồm nhoàm gặm cỏ của bày trâu già, tiếng rục rịch của côn trùng và tiếng ếch con kêu ồm ộp mới thật thích làm sao. Trong bầu trời tuổi thơ đáng nhớ đó, ngoài chiếc chõng tre của bà, bãi cỏ chăn trâu là nơi tôi thích được đặt tấm thân nhỏ bé của mình xuống nhất, bởi sự mềm mại và sắc xanh mơn mởn của đám cỏ khiến tôi cảm tưởng như mình đang nằm trên một tấm nệm vậy, dễ chịu mà thân thương đến vô cùng.

Độ này ở quê tôi là khoảng thời gian sắc xanh tỏa ra mạnh mẽ nhất, là khi cây lúa đang đà phát triển sau một mùa vụ cấy mạ từ trước Tết. Lúc này, cánh đồng sẽ được tô điểm bằng một sắc xanh bạt ngàn như trải thảm. Còn nhớ lúc ở nhà, tôi thường dậy thật sớm rồi lẽo đẽo theo chân mẹ ra thăm đồng. Nhìn những cây mạ xanh non được xếp thành từng hàng thẳng tắp, giọt sương ẩm còn đậu lại trên những nhánh lá non, lòng tôi lại không khỏi bồi hồi nghĩ về một vụ mùa bội thu sắp đến. Qua thì con gái, những cây mạ sẽ dần trưởng thành, lên đòng trĩu hạt, đồng ruộng được dịp thay màu áo mới, màu vàng óng ánh như mật ngọt, đền đáp tháng ngày lao động cật lực, "dầm mưa dãi nắng". Mùa thu hoạch đi qua trong nhọc nhằn miên viễn, neo đậu trên tấm lưng già nua của biết bao người nông dân làng tôi. Nhưng nhờ mấy sào ruộng này mà những bát cơm thơm ngon, nóng hổi được ra đời, những đứa trẻ như chúng tôi được lấp đầy chiếc bụng, khỏe mạnh lớn lên. Vì thế mà dù vất vả, gian truân, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" từ năm này qua năm nọ, người dân làng tôi vẫn một lòng thủy chung với đồng ruộng. Mỗi lần nhắc đến chuyện bỏ ruộng lên phố đổi đời là ai nấy đều lắc đầu, như thể cái chất nông thôn đã thấm sâu vào trong máu thịt, bỏ sao đành.

Kể chuyện làng: Bức tranh màu xanh trong miền nhớ - Ảnh 2.

Cây lúa đang vào đà phát triển sau mùa cấy mạ trước Tết. Ảnh: Kiều Trang

Cuộc sống đi đi về về ngày vài ba chở (lần) với "ngôi nhà thứ hai" (đồng ruộng), với khu vườn rậm rạp rau củ nơi làng quê bình dị ấy, tuy không dư dả là bao, vậy mà đã giữ chân cha mẹ tôi mấy chục năm trời. Mẹ thường bảo rằng: "Gốc gác, ruột thịt của mình ở đây, sao nói bỏ là bỏ được hả con, khó lắm…!". Mà đúng là khó thiệt, vì chính tôi cũng có nỡ được đâu. Suốt bốn năm đi học xa, người thì ở đấy nhưng trái tim lại luôn hướng về quê nhà. Nhiều lúc, tôi còn nuôi ý định bỏ trốn khỏi nơi "đất lạ người xa" này để trở về với chốn "chôn nhau cắt rốn" của mình, về với cánh đồng mênh mông xanh ngát và hơn hết thảy là được trở về với vườn rau thơm thảo của mẹ. Vườn rau đã hiện diện sâu sắc trong miền nhớ của đứa con gái xa xứ mỗi khi nhớ về một mảng màu tươi xanh nơi quê nhà.

Đó là khu vườn với vỏn vẹn 20 mét vuông đất, cha đã bấm bụng trích ra từ một góc nhỏ ở khoảnh sân trước nhà. Ngày đó, cha sợ mẹ vất vả nên đã một mực không cho, nhưng vì mẹ tôi nài nỉ quá, cha cũng đành mủi lòng để mẹ dựng một mảnh vườn trồng rau ở đấy. Sau này, vườn rau chính thức trở thành nơi cung cấp thực phẩm chính cho cả nhà. Tuy diện tích có phần khiêm nhường là thế, nhưng thứ rau củ quả nào cũng có, nào là mồng tơi, rau cải, rau lang, dền xanh… thêm vào đó còn có cả giàn bí được mẹ tỉ mỉ dựng lên bằng những nhánh tre nhỏ, mục đích là để nó được thỏa thích leo trèo và quấn quýt bên nhau. Nổi bật lên giữa giàn bầu bí còn là sự điểm tô của những đóa hoa màu vàng hòa lẫn với màu xanh của lá. Lâu lâu, một vài nàng bướm lại rủ nhau ghé chơi, chúng bay lượn dập dờn từ cây này đến cây khác, khiến cho cảnh sắc khu vườn thêm vui và tràn trề nhựa sống. Còn nhớ những lúc ở nhà, tôi thích nhất là được phụ mẹ ra vườn tưới rau vào mỗi buổi sớm tinh mơ và lon ton cầm trên tay mấy cái rổ tre rồi theo bóng lưng mẹ ra vườn hái rau để chuẩn bị cho bữa cơm của cả nhà. Từ ngày mẹ tôi trồng khu vườn rau sạch này, bữa cơm nào cũng đề huề các thành viên trong gia đình, chả ai còn bỏ bữa trước sức hút mãnh liệt của những món ăn thơm ngon do chính tay mẹ trồng và mẹ nấu.

Kể chuyện làng: Bức tranh màu xanh trong miền nhớ - Ảnh 3.

Mảnh vườn rau xanh được mẹ tỉ mỉ chăm sóc. Ảnh: Kiều Trang

Bây giờ, khi sống cuộc sống ở một thành phố hoa lệ như Sài Gòn, đồ ăn thức uống có "hằng hà sa số", nhưng nỗi thèm khát và nhớ nhung những món ăn mang hương vị thân thương nơi quê nhà vẫn luôn thường trực trong tâm trí tôi. Ký ức tươi đẹp mang dáng hình "quê cha đất tổ" về một sắc xanh của cánh đồng lúa, bãi cỏ chăn trâu, lũy tre rì rào và vườn rau xanh mướt của mẹ… sẽ mãi mãi là những kỷ niệm mà tôi muốn bảo quản thật tốt trong "chiếc rương" hành trang của mình. Để rồi mỗi khi nhớ về, chính "màu xanh" đó sẽ là động lực để tôi cố gắng từng ngày.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!