Ngày 25/3, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân và hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân; thăm mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Bắc Ninh.
Báo cáo với đoàn công tác Trung ương Hội, ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, giai đoạn 2017-2021, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 35 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 1.176 lao động thôn, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 81%.
Đối với công tác dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 448 lớp tập huấn cho trên 35.000 lượt người, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng 36 mô hình tập thể về áp dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; mô hình áp dụng phân bón vô sinh; phân bón vô cơ chất lượng cao...
Về cung ứng vật tư nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng trên 3.600 tấn phân bón NPK, 1.448 gói chế phẩm vi sinh, 14 tấn supe lân, 220 tấn phân bón trung lượng Silic cho nông dân theo phương thức trả chậm.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh là đã chủ động kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Cụ thể, mỗi năm các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ trên 500 tấn nông sản các loại cho hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản các loại và 163.000 quả trứng; hỗ trợ tiêu thụ 8 tấn nhãn tỉnh Hưng Yên. 3 tháng đầu năm 2022 hỗ trợ tiêu thụ gần 10 tấn nông sản các loại cho hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động nổi bật như tổ chức tọa đàm, Chợ phiên nông sản an toàn, ký kết chương trình phối hợp, tham gia triển lãm nông nghiệp, chương trình "Hỗ trợ nông dân khởi sự kinh doanh", tư vấn xuất khẩu lao động, tham gia các hoạt động xã hội...
Đánh giá cao các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cho rằng, các hoạt động này đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời yêu cầu các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cần phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục triển khai đa dạng hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân.
"Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…", Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của các cấp Hội tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2021 đã chủ động đẩy mạnh hoạt động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
"Nhiều mô hình mới có tính đột phá, mang lại những hiệu quả thiết thực đã được các cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao, tiêu biểu như: Kết nối, thành lập các Tổ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân; xây dựng mô hình các Tổ nông vụ kịp thời hỗ trợ bà con nông dân trong vùng bị cách li do dịch bệnh…" -Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Ông cũng gợi mở, trong thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Ninh, căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai thực hiện tốt một số hoạt động trọng tâm. Theo đó, cần tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp Hội; tổ chức đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, kiến thức hội nhập quốc tế, kinh tế thương mại cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức tốt các hoạt động đầu vào (vật tư, giống…); cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có chất lượng cao cho hội viên, nông dân.
Đồng thời, Trung tâm cũng cần làm tốt việc tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu ra, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản theo thời điểm mùa vụ và cả thường xuyên; tổ chức các cuộc tham quan, giao lưu để trao đổi kinh nghiệm, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm vừa để tăng cường việc quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông sản đặc thù của các địa phương.
"Trung tâm cần chủ động phối hợp, tổ chức xây dựng các mô hình trang trại, mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… để gia tăng tính kết nối giữa các hội viên, nông dân, tập trung đầu tư nguồn lực sản xuất theo chuỗi giúp nâng cao giá trị nông sản", Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa lưới và dưa chuột baby tại xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).