Dân Việt

Phiêu bạt đến Gia Lai làm nghề gánh dưa thuê, một tháng có chục triệu nhưng không phải ai cũng theo được

Hoàng Lộc 27/03/2022 12:32 GMT+7
Đều đặn đến mùa thu hoạch dưa hấu hằng năm, nhiều lao động ở các tỉnh đồng bằng lại xuôi ngược lên Tây Nguyên để mưu sinh bằng nghề gánh dưa thuê.

Công việc "ngày ngủ đêm làm"

CLIP: Cận cảnh công việc gánh dưa thuê ở Gia Lai. Thực hiện: H.L

Bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 là bước vào vụ thu hoạch dưa hấu tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Đây cũng là thời điểm nhiều lao động từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi chạy xe máy vượt hàng trăm km đến đây làm nghề gánh dưa thuê.

Sau nhiều lần tìm kiếm, theo chân những chiếc xe máy mang biển số 77, 78 của các anh trong "biệt đội" gánh dưa thuê, chúng tôi có mặt tại một ruộng dưa hấu trên địa bàn xã Ia Mlăh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).

Phiêu bạt đến Gia Lai làm gánh dưa thuê, người lao động nghèo mong đủ trang trải cuộc sống  - Ảnh 2.

Đều đặn mỗi năm, các lao động ở Phú Yên, Bình Định vượt hằng trăm km lên Gia Lai gánh dưa thuê để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: H.L

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi người đàn ông phải gánh 2 chiếc giỏ chứa dưa nặng từ 60-70kg (tùy theo sức khỏe của mỗi người). Gương mặt ai nấy đều đỏ bừng, thở hổn hển vì quá nặng, mồ hôi nhễ nhại, ướt sũng cả áo.

Đang bốc những trái dưa để cho vào giỏ, anh Phạm Văn Cường (37 tuổi, quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chia sẻ, cứ đến mùa thu hoạch dưa hấu là anh cùng nhiều người ở Phú Yên lên các cánh đồng dưa ở các tỉnh Tây Nguyên để làm nghề gánh dưa. Đến nay, anh đã có gần 7 năm trong nghề này. 

Theo anh Cường, nghề gánh dưa rất đặc biệt, bởi mọi người phải thường xuyên làm việc về đêm, còn ban ngày ngủ để lấy sức. Vì vậy, những người gánh dưa thường đặt cho nó với cái tên là nghề "ngày ngủ đêm làm".

"Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 5h chiều hôm trước đến 2-3h sáng hôm sau. Do ban ngày thời tiết nắng nóng, nếu cắt dưa sẽ mau hư thối nên chúng tôi phải đợi đến chiều mát mới bắt đầu. Sau khi cắt dưa xong thì gánh ra đến xe luôn. Thậm chí, có những ruộng lớn phải gánh xuyên đêm đến 7-8h sáng hôm sau để kịp bốc lên xe vận chuyển đi", anh Cường lý giải.

Phiêu bạt đến Gia Lai làm gánh dưa thuê, người lao động nghèo mong đủ trang trải cuộc sống  - Ảnh 3.

Mỗi gánh dưa trên vai người lao động nặng từ 60-70kg. Ảnh: H.L

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người gánh dưa được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm sẽ do một người gọi là "ông bầu" đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Diện (46 tuổi, quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã có kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề gánh dưa thuê. Chính vì vậy, mọi người đã tin tưởng giao cho ông làm "ông bầu" và đứng ra lập nhóm đi hái dưa.

"Cứ đến mùa thu hoạch dưa hấu, tôi sẽ chủ động liên hệ với các chủ ruộng dưa ở khắp các tỉnh Tây Nguyên. Sau khi liên hệ thành công, tôi sẽ chia việc cho từng người căn cứ theo diện tích ruộng dưa và yêu cầu của chủ ruộng để từ đó quyết định số người trong nhóm. Công việc này thường kéo dài khoảng vài đêm. Sau khi gánh xong cho chủ ruộng dưa này thì chúng tôi lại tìm đến những chủ ruộng ở những tỉnh thành khác. Mỗi năm chúng tôi sẽ lên 2 lần và mỗi lần như vậy sẽ mất ít nhất 1 tháng. Năm nay, tôi dẫn khoảng 12 người, chủ yếu ở Phú Yên và số ít Bình Định lên Gia Lai gánh dưa", ông Diện cho biết.

Những phận đời mưu sinh

Trời bắt đầu sẩm tối, nhóm gánh dưa tranh thủ nghỉ ngơi 1 lát. Sau đó, họ trải tấm bạt ra giữa đồng rồi dọn mâm cơm đã nấu sẵn ra ăn để lấy sức rồi tiếp tục công việc.

Ăn xong miếng cơm, anh Nguyễn Trung Kiếm (35 tuổi, trú tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tranh thủ ngả lưng trong căn lều giữa ruộng dưa. Hơn 4 năm làm nghề gánh dưa, anh thấu hiểu được sự vất vả của công việc này nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Phiêu bạt đến Gia Lai làm gánh dưa thuê, người lao động nghèo mong đủ trang trải cuộc sống  - Ảnh 4.

Công việc của những phu dưa bắt đầu từ chiều tối cho đến sáng hôm sau. Ảnh: H.L

Anh Kiếm tâm sự, gia đình anh canh tác được vài sào lúa. Bên cạnh đó, những lúc nhàn rỗi, anh đi làm thuê, làm mướn nhưng thu nhập cộng lại rất bấp bênh, không đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Chính vì vậy, mỗi năm, anh quyết định lặn lội hàng trăm km đến Tây Nguyên làm ăn với hy vọng cải thiện phần nào thu nhập.

"Trước Tết, tôi cũng đã đi gánh dưa thuê ở xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông), Ia Hlốp (huyện Chư Sê), thu nhập cũng hơn chục triệu đồng gửi về nhà cho gia đình ăn Tết. Sau Tết, chúng tôi lại xuống xã Phú Cần, Đất Bằng, thị trấn Phú Túc và bây giờ là Ia Mlăh (huyện Krông Pa). Tuy nhiên, hiện giá dưa xuống rất thấp, chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg kéo theo thu nhập của chúng tôi cũng giảm", anh Kiếm bộc bạch.

Theo "ông bầu" Nguyễn Ngọc Diện, những năm trước đây, tình hình giao thương thuận lợi, giá dưa hấu ổn định, từ 5.000-1.000 đồng thì giá khoán cho gánh dưa khá cao, trung bình từ 400.000-500.000 đồng/sào. Từ đó, người lao động có thu nhập khá, khoảng chục triệu trồng/tháng.

Phiêu bạt đến Gia Lai làm gánh dưa thuê, người lao động nghèo mong đủ trang trải cuộc sống  - Ảnh 5.

Năm nay dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cửa khẩu đóng cửa nên giá dưa xuống thấp kéo theo thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Ảnh: H.L

Tuy nhiên, từ sau Tết, tình hình cửa khẩu phía Bắc thông thương với Trung Quốc đóng cửa, hàng không xuất bán được nên giá dưa hấu xuống thấp kéo theo giá khoán dưa chỉ còn khoảng trên dưới 300.000 đồng/sào. Do vậy, thu nhập của những người gánh dưa bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong cuộc trò chuyện với nhóm gánh dưa, chúng tôi tình cờ nghe được về số phận của anh Dương Đại Thọ (39 tuổi, trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Anh Thọ hiện đã có 2 đứa con, 1 đứa 4 tuổi và 1 đứa mới chỉ 2 tuổi. Cách đây 3 năm, do trục trặc trong chuyện gia đình nên anh và người vợ quyết định ly hôn, để lại 2 đứa cho anh chăm sóc. Giờ đây, anh Thọ mang trên vai trọng trách của người cha lẫn cả người mẹ nuôi nấng 2 đứa nhỏ. Chưa kể, anh còn mẹ già 75 tuổi lại bệnh tật triền miên. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Phiêu bạt đến Gia Lai làm gánh dưa thuê, người lao động nghèo mong đủ trang trải cuộc sống  - Ảnh 6.

Bữa cơm tối được chuẩn bị sẵn của những phu gánh dưa. Sau khi ăn xong, họ nghỉ ngơi 1 lát rồi tiếp tục công việc cho đến sáng. Ảnh: H.L

Để có tiền lo cho cuộc sống, mỗi năm, anh lại vượt hàng trăm km lên nhiều tỉnh thành để gánh dưa. "Từ lúc 18 tuổi đế nay, tôi đã làm nghề này rồi. Mặc dù đi làm xa nhà một chút với lại vất vả nhưng bù lại có đồng ra đồng vào ổn định để lo cho các con ăn học và lo tiền chữa trị bệnh cho mẹ già", anh Thọ bộc bạch.

Được biết, sau khi gánh dưa xong, những lao động sẽ ra những cánh rừng, mắc võng ở đó để nghỉ ngơi và chờ những chủ vườn dưa khác liên lạc để tiếp tục công việc.