Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hôm thứ Bảy 26/3 rằng ông hoan nghênh các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt đến đất nước của ông với tư cách là du khách hoặc các nhà đầu tư, miễn là mọi giao dịch kinh doanh của họ hợp lệ trong phạm vi luật pháp quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này khi hai siêu du thuyền trị giá hàng triệu USD được cho là thuộc về nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich xuất hiện ở vùng ven biển của họ - một động thái lách các lệnh trừng phạt của phương Tây rõ ràng.
Với mỗi chiếc du thuyền trị giá khoảng 600 triệu USD trở lên, tỷ phủ Abramovich được cho là đang cố tìm cách chuyển khối tài sản của mình ra khỏi tầm với của các chính phủ Mỹ, Anh và EU - những nơi đang trừng phạt giới tinh hoa Nga sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc các tài phiệt Nga chuyển tài sản tới nơi khác bao gồm nước này là một động thái hợp pháp - miễn là các du thuyền nằm ngoài lãnh hải của các quốc gia áp lệnh trừng phạt, kéo dài 12 hải lý tính từ đường bờ biển.
“Chúng tôi chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt đã được Liên Hợp Quốc thông qua. Vì vậy nếu bất kỳ công dân Nga nào muốn đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tất nhiên, họ có thể đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Không có vấn đề gì khi bây giờ người Nga đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ", ông Cavusoglu nói.
Khi được hỏi về việc động thái "bật đèn xanh" này đối với giới tài phiệt Nga có mở rộng sang đầu tư và kinh doanh hay không, ông Cavusoglu thẳng thắn trả lời: “Nếu bạn muốn nói rằng những nhà tài phiệt này có thể kinh doanh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, thì tất nhiên nếu điều đó hợp pháp và không vi phạm luật pháp quốc tế, tôi sẽ xem xét”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.
“Nếu nó vi phạm luật pháp quốc tế thì đó là một câu chuyện khác", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.
Người hòa giải
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt do các đồng minh NATO áp đặt với Nga.
Dù là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Nga, đặc biệt là liên quan đến việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Ankara "thân Nga" phần nào còn vì mối quan hệ đôi khi "cơm không lành canh không ngọt" với các đối tác phương Tây.
Do đó, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự định vị mình là một nhà hòa giải trung lập và quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ông Cavusoglu cũng có mặt khi Ngoại trưởng Nga và Ukraine, Sergei Lavrov-Dmytro Kuleba, gặp nhau để hội đàm tại thị trấn nghỉ mát Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng Ba. Cuộc hội đàm đó đáng tiếc không mang lại kết quả rõ ràng nào.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gần đây đã ca ngợi rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vì đã “làm tất cả những gì có thể làm” để giúp chấm dứt xung đột. Điều này cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một điểm đến được lựa chọn giới nhà giàu Nga đang tìm cách bảo toàn của cải của họ và đầu tư sang một thị trường mới tỏ ra hiếu khách.
Cavusoglu gần đây cũng đến cả Nga và Ukraine để hội đàm với cả ông Lavrov và ông Kuleba. Sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hé lộ với các phóng viên rằng đã có “sự hợp tác giữa hai bên về các chủ đề quan trọng”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga trong những năm qua trong các lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng và thương mại, đồng thời nước này cũng phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực du lịch. Nhưng Ankara cũng đã bán máy bay không người lái cho Kiev và các UAV của Ankara đang tỏ ra rất hữu ích trên chiến trường khi giúp Ukraine chặn đường tiến quân của các lực lượng Nga, khiến Moscow "tức giận".