Cựu Tổng thống Nga xác nhận quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của Moscow khiến Mỹ, NATO "nơm nớp"

Minh Nhật (theo Guardian) Chủ nhật, ngày 27/03/2022 14:35 PM (GMT+7)
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã liệt kê một số trường hợp buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục bước sang tuần thứ năm, theo The Guardian.
Bình luận 0
Cựu Tổng thống Nga xác nhận quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của Moscow khiến Mỹ, NATO "nơm nớp" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, học thuyết hạt nhân của Moscow không loại trừ việc dùng vũ khí hạt nhân để tấn công kẻ thù chỉ sử dụng vũ khí thông thường. Ảnh: AP

Theo The Guardian, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine một lần nữa lại bị thổi bùng lên khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev liệt kê một số trường hợp buộc nước này phải sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Cụ thể, ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh nước này hôm 26/3, đã nêu 4 trường hợp buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân học thuyết hạt nhân của nước này.

Thứ nhất, theo ông Medvedev, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi đất nước bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trong trường hợp thứ 2, Nga sẽ đáp trả nếu có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng gây tổn hại đến Nga và đồng minh.

"Trường hợp thứ 3 là khi Nga bị tấn công nhắm vào hạ tầng trọng yếu làm tê liệt năng lực răn đe hạt nhân. Trường hợp thứ 4 là khi xuất hiện hành động thù địch chống lại Nga và đồng minh, khiến sự tồn vong của đất nước bị đe dọa, ngay cả khi đối phương không sử dụng vũ khí hạt nhân, mà chỉ sử dụng vũ khí thông thường", cựu tổng thống Nga nhấn mạnh.

Ông Medvedev nói rằng, năng lực răn đe hạt nhân của Nga thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước, và "nhằm ngăn mọi tư tưởng rằng Nga không sẵn sàng phản ứng nếu có bất kỳ ai xâm phạm đất nước, độc lập và hướng đi của chúng ta".

Tuy nhiên, ông Medvedev nhấn mạnh Moscow vẫn chủ trương đàm phán và ngoại giao là hướng đi đúng đắn nhất để giải quyết các bất đồng, cụ thể là cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Ông tái khẳng định không ai muốn chiến tranh hạt nhân nổ ra nhưng luôn tồn tại nguy cơ xung đột hạt nhân "đe dọa sự tồn tại của nền văn minh nhân loại".

"Từng giữ cương vị tư lệnh tối cao, tôi hiểu rõ mức nghiêm trọng của nguy cơ này. Mọi người dân đều hiểu vũ khí hạt nhân ở các nước NATO có mục tiêu đặt trong lãnh thổ đất nước chúng ta và đầu đạn của ta cũng nhắm vào các mục tiêu ở châu Âu và Mỹ. Đó là thực tế cuộc sống, vì vậy chúng ta phải luôn nhớ và theo đuổi một chính sách có trách nhiệm", ông Medvedev cho hay.

Không chỉ ông Medvedev, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu trong lần xuất hiện chớp nhoáng mới đây để phát biểu trước các tướng lĩnh của mình vào thứ Bảy 26/3 cũng nói về mối đe dọa hạt nhân trong kho vũ khí của Nga.

Trong một video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải lên mạng xã hội, ông Shoigu cho biết ông đã thảo luận các vấn đề liên quan đến ngân sách quân sự và các đơn đặt hàng quốc phòng với Bộ Tài chính.

“Chúng tôi thống nhất tiếp tục giao vũ khí và thiết bị trước thời hạn bằng các khoản ngân sách. Các ưu tiên là vũ khí tầm xa, có độ chính xác cao, thiết bị máy bay và duy trì khả năng sẵn sàng tham gia của các lực lượng hạt nhân chiến lược", ông Shoigu.

Nga được cho là có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân - là nước sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.   

Đáp lại những tuyên bố của các quan chức Nga hôm 26/3, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky phát biểu qua video tại Diễn đàn Doha ở Qatar đã cáo buộc rằng, Moscow là mối đe dọa trực tiếp đối với thế giới.

“Nga đang cố tình khoe khoang rằng họ có thể hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân, không chỉ một quốc gia nhất định mà toàn bộ hành tinh", ông Zelensky cáo buộc.

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết những lời đe dọa trên của các quan chức Nga có thể chỉ nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi việc Nga không thể chiếm đóng nhanh chóng thủ đô Kiev của Ukraine và không thể đạt được những bước tiến đáng kể ở các khu vực chiến lược khác của đất nước.

Hôm thứ Bảy, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Markian Lubkivskyi tuyên bố rằng Nga sẽ sớm mất quyền kiểm soát thành phố Kherson, thành phố lớn đầu tiên rơi vào tay Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/2.

Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn một tháng qua, phương Tây liên tục viện trợ nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa chống tăng và phòng không vác vai. 

Tổng thống Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao và cảnh báo rằng, bất cứ sự can thiệp nào của phương Tây vào cuộc xung đột sẽ nhận lấy “hậu quả chưa từng thấy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem