PGS.TS. Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kết quả thực hiện Đề án "Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)" mà Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 3 đơn vị là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã có rất nhiều phát hiện mới, quan trọng, góp phần làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử Vương quốc Phù Nam.
Trong đó, thành tựu quan trọng nhất là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam.
Óc Eo đóng vai trò là một "đô thị" hay là một "thành phố ven biển" và kết nối với biển Tây Nam thông qua "cửa ngõ" giao thương là Nền Chùa và các tuyến thủy lộ trong vùng. Ba Thê đóng vai trò là một trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam và là một cấu trúc chung không thể tách rời của không gian đô thị Óc Eo.
PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng, trong hệ thống đô thị cổ ở châu Á thời kỳ sau Công nguyên, Óc Eo - Ba Thê thể hiện rõ vai trò là trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa có tầm quan trọng và có sức lan tỏa, sự ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nhiều loại hình di vật quý có nguồn gốc từ nước ngoài như tiền và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán… thu thập được trong các hố khai quật chính thức và không chính thức đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ. Đặc biệt, phát hiện mới về đồ gốm đến từ đế chế La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Á đã góp phần lý giải sâu hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa xuyên đại dương của đô thị Óc Eo trong lịch sử.
"Những ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020. Từ đây, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam, một vương quốc hình thành trên nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc mà nó còn có mối quan hệ giao thương rất rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á… thông qua con đường hải thương quốc tế", PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa có vị trí trung tâm trên vùng đất Nam Bộ mà trong đó vùng cảng thị hướng về phía Biển Tây Nam. Đây là một đô thị độc đáo, được xây dựng trên vùng đồng bằng màu mỡ ven biển và là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam, có tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, nhờ đó nó đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy này trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích Quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các Tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại.
Sau 4 năm tiến hành Đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy gần 2,8 triệu hiện vật, trong đó, tại khu di tích Óc Eo-Ba Thê tìm thấy hơn 2,3 triệu hiện vật, tại Nền Chùa tìm thấy 414.446 hiện vật khảo cổ. Trong số các di vật được phát hiện, có 2 hiện vật đã nhanh chóng được công nhận là Bảo vật Quốc gia trong đợt công nhận mới nhất cuối năm 2021 đó là phiến đá khắc hình tượng Phật ngồi thiền và nhẫn bò Nandin bằng vàng.
PGS.TS. Đặng Văn Thắng - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa năm 2017-2019 đã góp phần phác họa và tô đậm hơn lịch sử ra đời cùng sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là mối quan hệ giao thương rộng lớn của đô thị Óc Eo trên con đường thương mại biển với các nước Đông Nam Á - Đông Bắc Á - Tây Nam Á - Nam Á - Ấn Độ và La Mã.
Tại Óc Eo - Ba Thê là nơi đã tìm thấy nhiều loại hình di vật quý hiếm của nước ngoài như tiền vàng La Mã thời hoàng đế Antoniux Pius (năm 138 - 161AD), hoàng đế Marc Aurelius (năm 161 - 180AD), đồ trang sức của La Mã, Ấn Độ, gương đồng thời Hán, gương đồng Tây Á, tiền Ngũ Thù (Trung Quốc)... minh chứng lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước của đô thị Óc Eo trong lịch sử.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, các hiện vật khai quật được ở Óc Eo bao gồm các sản phẩm địa phương, các loại hàng hóa được trao đổi trong vùng Đông Nam Á, và hàng nhập cảng từ Ấn Độ, Iran, và Địa Trung Hải. Rất nhiều đồ sành sứ được tìm thấy cùng các ấn tín và nhiều đồ nữ trang có nguồn gốc Ấn Độ, và có các tấm bùa chú bằng thiếc, có vẻ được làm tại Phù Nam, với các biểu tượng của các vị thần Ấn Độ giáo như Visnu và Shiva. Các phẩm vật từ Trung Hoa bao gồm các tượng Phật nhỏ và một tấm gương bằng đồng, còn hàng hóa từ Địa Trung Hải là các đồ thuỷ tinh, một đồng tiền vàng của thế kỷ II SCN, và các huy chương bằng vàng mang hình ảnh của Antoninus Pius và Marcus Aurelius.
PGS. TS Bùi Minh Trí nhận định, trong không gian đô thị cổ Óc Eo chắc chắn đã từng tồn tại những xưởng thủ công lớn, trình độ kỹ thuật cao, vừa đa ngành, vừa chuyên môn hóa, đặc biệt là chế tác kim hoàn, thủy tinh và đá quý... Phát hiện khảo cổ học về những hạt chuỗi thủy tinh hay đá quý của Óc Eo tìm thấy tại những nước tiêu thụ như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… cho thấy sản phẩm thủ công của đô thị Óc Eo từng là mặt hàng được nhiều nước ưa chuộng.
"Chúng ta biết rằng, tại các địa điểm khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo, các cuộc khai quật chính thức và không chính thức đã lấy lên khỏi lòng đất số lượng vô cùng lớn các loại hình đồ gốm, gọi là gốm Óc Eo. Sự tương đồng rộng rãi và phổ biến của đồ gốm Óc Eo, giữa các di chỉ khảo cổ ở vùng đồng bằng sông Mê Kông cho thấy một truyền thống sản xuất gốm bản địa vốn có từ lâu đời.
Nhưng những nghiên cứu mới gần đây của PGS.TS. Bùi Minh Trí đã phát hiện ra nhiều đồ gốm nước ngoài trong các sưu tập đồ gốm Óc Eo, đặc biệt là những đồ gốm nước ngoài mới được tìm thấy tại di tích Nền Chùa, Lung Lớn và Gò Giồng Cát. Đó là những đồ gốm đến từ đế chế La Mã (thế kỷ II), Ấn Độ (thế kỷ I - VI), Trung Quốc (thế kỷ II - VII) và Tây Á (thế kỷ VIII) (xem Hình 203-209).
Phát hiện mới và quan trọng này đã minh họa rõ ràng mối quan hệ xuyên đại dương, đồng thời cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên thấu thời gian và tổng quan hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử", PGS.TS Đặng Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Thắng, đồ gốm nước ngoài tại Nền Chùa và Óc Eo cho chúng ta thấy khung thời gian tương ứng với lịch sử phát triển của văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I - II đến thế kỷ thứ VIII Công nguyên.
Đây là tư liệu quan trọng, cung cấp cơ sở tin cậy trong việc xác định khung niên đại tương đối cho các giai đoạn phát triển của đô thị Óc Eo, đồng thời góp phần lý giải sâu hơn về tính bản địa và tính truyền thống riêng biệt của gốm Óc Eo trong lịch sử gốm cổ Đông Nam Á và châu Á cùng với một cái nhìn tổng quan hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử.