Lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng đã diễn ra vào trưa 26/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả mến mộ đã đến tiễn đưa nhạc sĩ "Hoa sữa" trong chặng đường cuối.
Tang lễ của nhạc sĩ Hồng Đăng ngoài chuyện không nhận vòng hoa mà chuẩn bị sẵn một số vòng hoa cùng hoa cúc vàng để mọi người đến tiễn đưa ông thì còn có cả tiếng đàn piano và ca sĩ hát trực tiếp. Theo đó, NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trực tiếp đệm đàn cho ca sĩ Minh Thu hát bài "Biển hát chiều nay" ngay khi vừa bắt đầu vào tang lễ.
Minh Thu vừa hát, vừa thổn thức, vừa nức vở vì quá nhiều cảm xúc. Và ngay khi Minh Thu vừa dứt tiếng hát, vợ của nhạc sĩ Hồng Đăng là bà Lê Anh Thúy đã chạy đến ôm chầm lấy cô. Cả hai ôm chặt nhau, không nói điều gì, để nước mắt cứ lăn dài trên má và để hai nhịp đập trái tim giao cảm với nhau.
Trong khi đó, ca sĩ Mỹ Linh cũng đã hát ca khúc "Hoa sữa" sau khi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn, bà Lê Anh Thúy nói lời cảm tạ… như một lời chia tay thật dịu dàng với vị nhạc sĩ tài hoa.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Lê Anh Thúy cho biết, trước đó, nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong giới nhạc sĩ có gợi ý cho bà nên phát lại những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng hoặc nhờ ca sĩ hát trực tiếp để tiễn đưa nhạc sĩ về nơi an nghỉ, thay vì phát nhạc "Hồn tử sĩ" đầy đau thương và buồn bã như thông thường.
Tiếp nhận những gợi ý đó, bà Lê Anh Thúy đã gọi điện cho ca sĩ Thanh Lam – người đã thể hiện thành công ca khúc "Hoa sữa" vào những năm thập niên 90 để đặt vấn đề, nhưng tiếc là nữ ca sĩ bận đi lưu diễn xa, không về kịp. Và bà Lê Anh Thúy đã gọi cho ca sĩ Mỹ Linh, cũng là giọng ca đã gắn liền với ca khúc "Hoa sữa" thì chị đồng ý ngay mà không cần hỏi thêm gì nhiều.
"Lúc tôi gọi điện cho Mỹ Linh thì Linh vừa bay từ Sài Gòn ra và đang trên đường về nhà. Tôi chưa kịp nói gì thì Mỹ Linh đã hiểu được những điều tôi muốn nói và Mỹ Linh nhận lời ngay, không hề đắn đo. Điều này khiến tôi hạnh phúc vô cùng vì tâm nguyện của tôi đã được trọn vẹn", bà Lê Anh Thúy bộc bạch.
Trong giới nghệ sĩ đến tiễn đưa nhạc sĩ Hồng Đăng trưa nay có NSND Trung Đức, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Thanh Quý, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nhạc sĩ Lưu Hà An, Xuân Thủy, Đỗ Bảo, Giáng Son… cùng nhiều ca sĩ khác. Lúc đi vòng quanh linh cữu người quá cố, nhiều người đã nghẹn ngào vì tiếc thương một tài năng.
Trong điếu văn do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc, có đoạn viết: "Nhạc sĩ Hồng Đăng yêu mến của chúng ta đã lặng lẽ "tạ mùa đi" ở tuổi 88, để lại bao tiếc thương cho đồng nghiệp, cho biết bao người mến mộ âm nhạc trong nước và trên khắp hành tinh, nơi những người Việt Nam đang sinh sống.
Trước anh linh ông, thay mặt cho những đồng nghiệp của ông, những thế hệ nhạc sĩ hôm nay xin được luôn luôn tận lòng dâng hiên cho sự nghiệp âm nhạc như ông đã từng dâng hiến, tự tin vươn tới một tầm vóc sánh vai cùng tất cả các nền âm nhạc trên hành tinh chúng ta bằng chính sự độc đáo, riêng biệt, không hòa tan của dân tộc Việt Nam.
Cầu mong ông ở cõi xa xăm luôn luôn phù hộ, mang đến những điều tốt lành cho những người đang tiếp tục dấn thân theo con đường của ông, bằng cái tâm Bồ tát như ông. Cầu mong ông yên giấc ngàn thu".
Điếu văn đã nhắc lại những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Hồng Đăng đối với nền âm nhạc và nghệ thuật nước nhà. Theo đó, mang trong mình dòng máu cách mạng, ngay từ đầu khi còn là học sinh ở vùng tự do khu IV trong kháng chiến trường kỳ, với tài năng âm nhạc bẩm sinh, nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết những khúc ngợi ca trong sáng, đẹp đẽ dành cho kháng chiến, dành cho lãnh tụ Hồ Chí Minh và cho cả tuổi trẻ của mình như "Nắng về Tây Bắc", "Nhớ ơn cụ Hồ", "Đời học sinh"...
Ra Hà Nội từ khi lập lại hòa bình ở miền Bắc, ông trở thành học viên khóa 1 – Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cùng với các tên tuổi khác như Hoàng Việt, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh.…
Ngay từ rất sớm, Hồng Đăng đã hình thành một cá tính sáng tạo âm nhạc riêng biệt. Viết ca khúc thì rất ngắn. Nhưng viết hợp xướng thì rất đồ sộ ở tầm vóc tổ khúc. Trong khi đang tu nghiệp, Hồng Đăng đã thành danh bởi những tác phẩm khí nhạc như "Ước mơ tuổi trẻ" viết năm 1958 cho violoncello và piano, tứ tầu đàn dây "Nắng quê hương" và "Rừng Tây Nguyên" viết năm 1960.
Cũng năm ấy, hợp xướng "Lửa rực cháy" phỏng thơ Tố Hữu của Hồng Đăng đã làm hừng hực bao con tim thanh xuân nhất là ở Thủ đô. Sự nghiệp âm nhạc Hồng Đăng được xây lên từ nền móng âm nhạc vững chắc của ông thể hiện qua những cuốn sách giáo khoa âm nhạc khúc triết về hòa thanh, điệu thức, tính năng nhạc khí, xướng âm… mà ông đã viết để lại cho muôn đời.
Bởi thế, ngay từ thanh xuân, ông đã chững chạc thành công với ca khúc ngắn "Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn" (lời Việt cùng Nguyễn Liệu), đóng góp vào kho tàng ca khúc ngắn như "Làng tôi" của Văn Cao, "Hát mừng bộ đội chiến thắng" của Nguyễn Xuân Khoát, "Hành quân xa" của Đỗ Nhuận…
Nét hồn nhiên, trẻ trung trong giai điệu Hồng Đăng đã ngay lập tức thấm vào đời sống như "Đường ta đi có ánh mặt trời", "Quà tháng năm" (viết cùng Thế Bảo), "Mây trắng Phia Khao", "Giữa mùa xa nhân"… và chợt dựng đứng lên giữa những năm tháng chiến tranh là thanh xướng kịch "Sông Hồng ngàn năm reo hát" (kịch bản Dương Viết Á) do Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu hay tổ khúc hợp xướng 5 chương "Đêm lửa Trường Sơn" chắt lọc từ những ngày dấn thân trên đường mòn Hồ Chí Minh gian nan và khốc liệt.
Nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong không nhiều những nhạc sĩ có duyên làm nhạc phim. Ngay từ năm 1969, sau thành công viết nhạc cho phim "Kén rể" của đạo diễn Phạm Văn Khoa và Nông Ích Đạt, ông liên tục viết nhạc phim cho các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình.
Có những bài hát viết cho phim đã trở thành ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa", "Lênh đênh"… càng qua năm tháng, càng qua thời gian, sáng tạo âm nhạc Hồng Đăng càng tinh tế, sâu sắc với những "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Đường về hoàng hôn", "Ký ức đêm".v.v…
"Đóng góp lớn nhất của Hồng Đăng chính là việc tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa, đổi mới cho đến ngày hôm nay, từ khi ông được tín nhiệm trở thành Phó Tổng Thư ký trường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, V, VI.
Đấy là những năm tháng cống hiến rực rỡ của ông kể cả trong những sáng tạo cá nhân cũng như trong việc điều hành guồng máy hoạt động của Hội thoát khỏi những tư duy quan liêu, bao cấp, trì trệ.
Ngay từ những năm của thập kỷ cuối thế kỷ trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự chèo chống của Ban Chấp hành ngày ấy đã có được kinh phí của Nhà nước cấp để làm băng catsette và in tuyển tập nhạc cho các nhạc sĩ mà suốt cuộc đời dâng hiến của mình không thể làm nổi.
Cuộc đại trình diễn "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam" do Hồng Đăng chỉ đạo đã để lại một ấn tượng âm nhạc Việt Nam không phai mờ, hãnh diện khép lại một thế kỷ đầy biến động của đất nước. Nhiều người kính trọng ông vì tính thẳng thắn, luôn luôn vì sự nghiệp chung, quên cái tôi. Mọi người thường gọi ông là "nghệ sĩ có tâm Bồ tát".
Song không ai có thể cưỡng lại được thời gian. Vài năm gần đây, tuổi già đã khiến ông phải rất nhiều lần vượt qua cửa tử. Nhưng đến cuối giờ Mão ngày 21 tháng 3 năm 2022 mới đây thì điều này đã là điều không thể. Theo số phận, ông đã thanh thản chuyển cõi về nơi xa xăm ở tuổi đã đủ đầy "Phúc – Lộc – Thọ - Khang – Ninh", để lại bao nhiêu dâng hiến, bao nhiêu tiếc thương trên dương thế", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.