Trong 2 ngày (29 và 30/3), bà Marion Chaminade - Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã dẫn đầu đoàn khảo sát và tìm hiểu thực tế sản xuất muối tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh muối Phương Hải, HTX sản xuất , kinh doanh, dịch vụ Khánh Nhơn; Tổ hợp tác sản xuất muối Trí Hải và thăm trang trại sản xuất nho Ladora Farm xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và Công ty TNHH nho Ba Mọi.
Muối làm thủ công được bán trực tiếp cho du khách, giá trị rất cao
Qua khảo sát thực tế, bà Marion Chaminade đánh giá, cách làm muối thủ công của diêm dân ở Ninh Thuận tương đối giống với cách thức làm muối của diêm dân sống ở phía Tây nước Pháp. Tuy nhiên, có sự khác nhau về cách thức bán và tạo ra giá trị gia tăng đối với sản phẩm muối thủ công giữa hai nước.
Theo bà Marion Chaminade, các diêm dân làm muối thủ công ở Pháp tổ chức thành các hiệp hội và bán trực tiếp sản phẩm muối ngay tại nơi sản xuất cho khách du lịch. Phần còn lại hiệp hội có trách nhiệm đi tìm nguồn khách hàng là các chuỗi nhà hàng, khách sạn…, thậm chí xuất khẩu đi các nước. Chính vì thế, giá trị thu được từ hạt muối làm thủ công bằng tay đem lại rất cao.
"Sản phẩm muối đi kèm với hình ảnh đồng muối rất đẹp của vùng đó. Những người tiêu thụ, nhà hàng, khách sạn cũng dùng hình ảnh đó để đi quảng bá cho sản phẩm. Họ làm hình ảnh tốt nên giá trị sản phẩm cao, gấp 10 lần sản phẩm muối cao nhất ở Việt Nam" – bà Marion Chaminade thông tin.
Trong khi đó, muối thủ công do các HTX ở Việt Nam không có sản phẩm nào được bán trực tiếp tại nơi sản xuất. Hầu hết các HTX không có kho dự trữ muối. Điều này trái ngược hoàn toàn với bên Pháp, họ bán tại chỗ nên kho rất lớn. Tại đồng muối, họ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường sá, rồi che ô một cách hợp lý, nhằm tạo ra sản phẩm muối chất lượng.
Với tỉnh Ninh Thuận, với bờ biển dài 106km, nước biển có độ mặn cao và là vùng khô hạn nhất cả nước, năng lượng bức xạ lớn nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất muối. Cùng với đó, phong cảnh đồng muối đẹp. Đây cũng là cơ sở để phát triển du lịch đối với các cánh đồng muối thủ công.
"Trên cơ sở chuyến khảo sát này, một đoàn chuyên gia về muối của Pháp sẽ tiếp tục sang khảo sát kỹ thuật, tìm hiểu sâu hơn về việc làm muối thủ công và đưa ra các đề xuất hợp lý nhất" – bà Marion Chaminade - Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam thông tin.
Thúc đẩy hợp tác, đầu tư xây dựng mô hình sản xuất muối
Nhằm triển khai chương trình xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy chương trình hợp tác, phát triển ngành nghề nông thôn với những nền nông nghiệp phát triển và thị trường tiềm năng, Bộ NNPTNT có chủ trương phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có sản xuất, chế biến muối và rượu vang.
Trước đó, ngày 21/01/2022, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến Chương trình xúc tiến đầu tư với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Sở NNPTNT, lãnh đạo các hợp tác xã, doanh nghiệp của các địa phương có sản xuất muối tại Việt Nam và bà Marion Chaminade - Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Hiệp hội muối UNIVER-SEL - Pháp.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang xem xét phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Bộ NNPTNT chủ trương đầu tư xây dựng 7 mô hình điểm về phát triển sản xuất nâng cao giá trị gia tăng hạt muối Việt Nam tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu theo hướng đẩy mạnh sản xuất, chế biến đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm muối gắn với bảo tồn và phát triển du lịch. Mỗi mô hình không chỉ dừng lại ở hỗ trợ nâng cấp hạ tầng đồng muối mà còn bao gồm các nội dung như củng cố các HTX; khuyến diêm, ứng dụng cơ giới hóa; thu hút đầu tư vào chế biến đa dạng hóa sản phẩm và thương mại; bảo tồn nghề muối và phát triển du lịch.
Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành muối do có bờ biển dài trên 3.200 km và bức xạ nhiệt cao. Muối lại là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với con người và xã hội. Muối không chỉ dùng để ăn, chế biến thực phẩm, công nghiệp hoá chất mà còn có mặt trong nhiều ngành nghề khác của nền kinh tế.
Sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 hộ diêm dân với hơn 51.000 lao động, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội nông thôn vùng duyên hải của Việt Nam.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau ngành muối hiện nay còn nhiều bất cập. Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sản xuất thủ công nên giá thành cao, năng suất, chất lượng thấp và không đồng đều.
Cơ sở hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Mặt khác do thu nhập thấp nên diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn.