Ðôi tay chai sần vuốt ve từng hạt lúa vàng óng, ông cười khà rồi khoe: “Xứ này giờ nhìn trên thì thấy lúa với lúa; nhìn dưới gốc lúa là tôm và cua. Từ khi chuyển dịch, năm nào vụ mùa cũng khởi sắc, nhờ vậy mà đời sống khó khăn nay không còn nữa”.
Nhà ông Thắng nằm lọt thỏm giữa ngã ba lung Bầy Hầy giao nhau với lung Máng Diệc. Thời kháng chiến chống Mỹ, lung Bầy Hầy trở thành vùng đất nuôi chứa cán bộ cách mạng; là địa thế trọng yếu “che bộ đội” và “vây quân thù”.
Ở tuổi ông Thắng (năm nay ông 51 tuổi), bám trụ mảnh đất này giờ chỉ còn vài người nhớ mang máng về lung. Ai cũng định vị được vị trí và các hướng liên thông của lung đi vào căn cứ U Minh hay ngược ra Chắc Băng, qua Máng Diệc, về Tràm Thẻ.
Tương truyền, địa danh lung Bầy Hầy có từ thời kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, các lực lượng của ta (gồm cán bộ địa phương và cán bộ huyện Mười Cư, nay là huyện Thới Bình) cùng quân và dân vì sự an toàn tránh các đợt tấn công, truy quét của địch nên dùng địa thế rừng rậm và thông thương của lung để bám trụ.
Có thời gian do sinh sống, giặt giũ, phơi quần áo “lộ quá” nên máy bay trinh thám của địch phát hiện và ném bom. Sau trận oanh tạc, mọi người rút kinh nghiệm thực hiện nếp sống sinh hoạt không thể “bầy hầy” như vậy nữa.
Từ đó, khu vực ít bị phát hiện bởi máy bay trinh thám và an toàn mãi đến nhiều năm sau. Nhưng câu chuyện “bầy hầy” đã trở thành địa chỉ để mọi người trong vùng rỉ tai nhau mỗi khi đi qua lung và ấn định thành địa danh lung Bầy Hầy tới ngày nay.
Xoay lại câu chuyện cuộc sống hiện tại, ông Chế Quang Thắng khoe tiếp về bằng chứng như để khẳng định là người gốc ở xứ lung Bầy Hầy: “Mảnh đất tôi canh tác hiện nay là do ông bà và cha tôi khai phá từ trong chiến tranh. Cặp ranh đất tôi giờ có một đường kênh nhỏ là phần giao nhau giữa lung Máng Diệc với lung Bầy Hầy. Vì tuyến lung sau chiến tranh bỏ hoang nên khi canh tác mỗi người nới dần đất đai một ít, làm nhiều đoạn lung không còn nữa. Giờ thấy đất đai vậy đó, chớ hồi chiến tranh khu vực này toàn là rừng rậm và dừa nước. Ngã ba lung và cái doi đất nhô ra vẫn còn đó”.
Như lục lại ký ức, ông Dương Hoàng Tỵ, 61 tuổi, ấp Nguyễn Tòng, ngâm nga mấy câu thơ trong tác phẩm “U Minh bất khuất” của người chiến sĩ Diệp Văn Kiềng (Chín Kiềng): “Ngã ba lung gọi Bầy Hầy/ Rừng vang tiếng hát chở đầy chiến công”. Tôi chợt nhớ hơn chục năm trước, trong chuyến đi vào lung Bầy Hầy, khi đó UBND xã Biển Bạch Ðông vẫn còn ở phía bờ sông Trẹm; vào lung chỉ độc đạo đường sông. Do vậy, muốn đi vào khu vực này phải chạy vỏ lãi, mỗi chuyến đi như thế tiêu hao gần 4 lít xăng cho 2 lượt đi, về. Khi đó, nhiều gia đình ở ấp Bình Minh, nay là Nguyễn Tòng, vẫn còn lưu giữ bộ tranh khắc gỗ in ra giấy “U Minh bất khuất” của người chiến sĩ Chín Kiềng.
Bộ tranh khắc hoạ hình ảnh, khí phách một thời của quân và dân Biển Bạch (nói chung) trong thời gian sinh sống, bám trụ trên lung Bầy Hầy. Sau nhiều năm, do bảo quản không được tốt, giờ bộ tranh không còn nữa, nhưng trong ký ức của người dân luôn còn lưu lại những hình ảnh, vần thơ ngọt ngào và hiển hách.
Anh Toàn, trạc ngoài 40 tuổi, là cư dân thế hệ nối tiếp ở đất lung này. Tuy ít tuổi hơn ông Thắng nhưng vì có thời gian dài công tác ở xã và có điều kiện tìm hiểu nên anh còn nhớ nhiều mẩu chuyện ở lung.
Như một động thái truyền lửa, anh Toàn quay sang ông Dương Hoàng Tỵ, nói: “Bây giờ mà có chủ trương làm một công trình di tích về lung Bầy Hầy thì người dân xóm này ai cũng vui lòng hiến đất phải không chú?”. Ông Tỵ đồng tình: “Thật đó! Chỉ cần khảo sát địa điểm để xây dựng là ô-kê liền!”.
Từ năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, các công trình cầu, lộ quanh khu vực dân cư ấp Bình Minh và Nguyễn Tòng giáp ranh với Kiên Giang, trong đó có lung Bầy Hầy, được đầu tư xây dựng. Giờ nhìn tổng thể, cả khu vực xã đã có nhiều tuyến đường như những mạch máu kết nối và thông suốt giữa các địa phương khác và liên tỉnh.
Ngày nay, về lại lung Bầy Hầy, có thể đi được một đoạn dài đường ô-tô, còn xe máy thì vô tư trên những cung đường của xã nông thôn mới.
Ðầu năm 2021, thực hiện việc sáp nhập ấp, khóm theo chủ trương, 2 ấp Bình Minh và Nguyễn Tòng sáp nhập thành ấp Nguyễn Tòng. Vậy là “bộ máy mới” hoạt động nhịp nhàng bên cạnh sự ủng hộ của Nhân dân.
Anh Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng, cười khà: "Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ở Nguyễn Tòng nói chung và khu vực lung Bầy Hầy nói riêng đã phát triển rõ rệt. Cuộc sống khấm khá, người dân chăm lo tươm tất hơn cho ngõ nhà, đường sá. Nhiều tuyến, đoạn rợp màu hoa cả bốn mùa, không có chuyện “bầy hầy” như ngày xưa nữa".
Trên con đường men theo bờ kênh Kiểm vòng qua lung Bầy Hầy, anh Nguyễn Phi Thoàn, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, khoe: "Tuyến đường này đã xây dựng hoàn thành 3 cây cầu, đảm bảo ô-tô lưu thông. Ðây sẽ là tuyến kết nối chính từ La Cua Số 6 (ấp La Cua) đi kênh Kiểm, qua lung Bầy Hầy tới kênh Ranh Hạt, sang địa phận tỉnh Kiên Giang. Vùng đất này đang vươn lên khởi sắc từng ngày, thuận lợi nhất cho việc phát triển và phát huy giá trị các công trình giao thông cùng với các công trình mang tính giáo dục văn hoá, lịch sử.
Câu thơ truyền miệng để đời của ông Chín Kiềng trong “U Minh bất khuất” giờ như một lời đinh ninh của vùng đất tên gọi Bầy Hầy đang thực sự vươn mình chở đầy chiến công trong thời đại mới. Tiết trời se lạnh của buổi sớm mai mùa trở bấc, phía xa cánh đồng lúa trĩu hạt ở lung Bầy Hầy lại râm ran tiếng cười nói của từng tốp người đang vần công thu hoạch tôm càng xanh. Và khung cảnh ấy, không lâu sau là những chiếc máy gặt đập liên hợp trườn mình để thu hoạch vụ lúa đông xuân tràn đầy hy vọng.