2 năm trước, khởi xướng cho việc làm đường cộ dẫn ra đồng ở ấp Phú Quí, ông Phạm Văn Sược (xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tình nguyện hiến 200m2 đất nhà để mở lối. Trong vòng 10 ngày, các hộ khác sống trên tuyến đường đi qua đã học theo, đồng tình nhường một phần đất sản xuất để mở rộng chiều ngang 2m, dài 4km.
Nối tiếp sau đó, tuyến đường hàng năm được bê-tông hóa hoàn thiện dần. Xe chở nông sản có thể “bon bon” từ đồng sâu ra đến tỉnh lộ. Người dân còn thuận tiện đi thăm đồng hoặc đi tắt sang các địa bàn lân cận mà không còn ngại chuyện lầy lội, khó khăn. Chuyện từ những cá nhân, tổ từ thiện đồng lòng thực hiện các tuyến đường nội đồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản ngày càng lan tỏa.
Tại xã vùng sâu Phú Thành, 2 tuyến đường Bắc K26 và Bắc kênh Phú Bình vừa hoàn thiện do Hội Nông dân phối hợp Hội Chữ thập đỏ xã thực hiện. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành Đinh Thanh Sang, nhờ nhân dân và hội viên nông dân tham gia ngày công khẩn trương, 2 tuyến đường có chiều dài tổng cộng 4,6km đã hoàn công chỉ trong vài ngày và phục vụ lưu thông thuận lợi. Tuy gọi là đường nội đồng nhưng nền đường khá rộng, đáp ứng nhu cầu lưu thông liên xã qua Hiệp Xương. Kinh phí làm đường toàn bộ do nhân dân 2 xã đóng góp và tích cực tham gia ngày công.
Dự kiến trong năm nay, địa phương sẽ làm 3 tuyến đường bê-tông để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại vận động nhân dân. Được tạo điều kiện vận chuyển nông sản thuận lợi, bà con rất vui. Tùy theo khả năng và điều kiện, những nơi còn khó khăn chọn cách làm từng bước, “chậm mà chắc” để không ngừng phát triển vùng quê.
Qua 8 tháng hoàn thiện, đoạn đường nội đồng ở xã Long Hòa đã cho thấy lợi ích thiết thực phục vụ sản xuất cho nhân dân. Với kinh phí thực hiện 400 triệu đồng (chỉ tính thi công) và ngày công nông dân đóng góp, suốt chiều dài hơn 3,2km có 40 hộ dân tình nguyện hiến đất để hoàn thành.
“Trước đó, nghĩ đến việc phải “hy sinh” phần đất khá lớn, một số hộ còn đắn đo, việc vận động vì vậy gặp nhiều khó khăn. Nhờ kiên trì thuyết phục, phần đường hoàn thiện tới đâu bà con thấy lợi ích tới đó nên giai đoạn sau triển khai thuận lợi hơn” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền cho biết.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Ngày trước, do đi lại khó khăn, 1ha ruộng tốn chi phí ít nhất 2-3 triệu đồng/vụ để thuê người vận chuyển. Nay không những người dân tiết kiệm được phần chi phí kể trên, mà còn yên tâm khi đồng ruộng tiêu úng kịp thời. Quan trọng nhất là có đường cộ đi lại phục vụ sản xuất tốt hơn. Nếu so sánh, đội 1 bao lúa giống hoặc bao phân vào ruộng phải trả công 50.000 đồng thì hiện nay phân bón, hạt giống do nông dân tự chở bằng xe vào tận ruộng. Trước khi được đầu tư, ruộng dọc theo đoạn đường có giá trị khoảng 60 triệu đồng/1.000m2, nay tăng lên hơn 100 triệu đồng nhưng bà con không bán.
Ông Hiền thông tin, đoạn đường này đã giải quyết được 1/3 diện tích đất trồng nông nghiệp chống úng của xã Long Hòa (khoảng 200ha), là công trình được Đảng ủy và UBND xã giao Hội Nông dân xã làm công tác vận động và thi công. Để duy trì, Hội Nông dân xã vận động hội viên, các hộ xung quanh hùn kinh phí mua đá và góp ngày công, thường xuyên duy tu ngăn xuống cấp.
Trước kia, các vùng sản xuất tại đây gặp cái khó chung là vừa sạ lúa xong dù đã mười mấy ngày tuổi mà gặp mưa ngập vẫn chết, mất giống... do hệ thống tiêu úng và chống úng không được đảm bảo. Giải quyết thực trạng này, trong năm nay, xã dự kiến làm thêm tuyến đường đầu tư trạm ngập úng nối đến kênh số 5 và 1 tuyến đường hướng về trung tâm xã để hoàn thiện toàn bộ hệ thống nội đồng trên địa bàn.
Cách đó không xa, đường nhánh kênh K7 trước giờ chỉ làm lúa, bị chuột phá hoại khá nhiều. Từ ngày được đầu tư đường cộ, đi lại và vận chuyển thuận tiện, nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng hoa màu, như: Hẹ, gừng, hành và các loại cây ăn trái được hơn 1ha. Không chỉ vậy, hầu hết các hộ đều lắp đặt thiết bị tưới tự động, giúp việc làm nông khỏe hơn rất nhiều.
Từ lợi ích thiết thực phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, việc đầu tư phát triển giao thông nội đồng ngày càng được nông dân hưởng ứng, đóng góp trách nhiệm và tham gia xây dựng nông thôn mới.