Theo công bố tờ trình đại hội cổ đông, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland – HoSE: NVL) đặt mục tiêu năm 2022 thu hơn 35.970 tỷ đồng, tăng 21.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của DN này dự kiến lập kỷ lục 6.500 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước.
Nếu kế hoạch này thành công, năm nay cũng là năm mà Novaland đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành lập đến nay.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) cũng vừa công bố dự thảo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất lên đến 11.000 tỷ đồng.
Riêng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 20,98% so với năm ngoái.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) cũng đặt kế hoạch thu năm nay là 5.500 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 500 tỷ đồng, vượt 19% so với cùng kỳ năm trước.
Một loạt các DN BĐS khác như Phát Đạt (PDR), Nam Long (NLG), Khải Hoàn Land (KHG)… cũng đặt mục tiêu "khủng" về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.
Chẳng hạn, với Phát Đạt, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra hôm 26/3 vừa qua, DN này đã trình cổ đông kế hoạch năm 2022 với doanh thu 10.700 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng, tăng tới 56% so với năm 2021.
Tương tự, lãnh đạo Công ty Khải Hoàn Land cũng trình cổ đông mục tiêu doanh thu thuần trong năm nay đạt 2.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 102% và 93% so với với năm 2021.
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) cũng vừa công bố các đề xuất sẽ được trình thông qua tại đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 tới.
Theo đó, ban lãnh đạo DIG đã đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với năm ngoái.
Còn với Nam Long, dù chưa có động thái công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 nhưng trong báo cáo phân tích triển vọng tăng trưởng cổ phiếu NLG của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị này dự phóng doanh thu NLG có thể đạt 6.814 tỷ, lãi ròng 1.300 tỷ đồng năm nay (tăng 21% so với năm trước)…
Có thể thấy, kết thúc quý 1/2022, diễn biến của thị trường bất động sản khá tốt nếu nhìn từ khía cạnh giá tài sản tăng, nguồn cung ít hơn so với lực cầu. Bên cạnh đó, lạm phát có biểu hiện lên cao càng tạo lực hút các dòng vốn vào kênh này, thay vì đổ vào chứng khoán hay vàng.
Vì vậy, theo các chuyên gia bất động sản, các DN quy mô lớn có rổ hàng dồi dào, mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lãi ròng chạm mốc kỷ lục không phải là bài toán khó.
Thêm vào đó, việc DN tranh nhau mở rộng quỹ đất, M&A dự án khắp các tỉnh, thành… càng củng cố thêm các mục tiêu doanh thu và lợi nhuận "khủng" trong năm 2022.
Tại Novaland, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận "khủng" được DN này hoạch định dựa trên nguồn thu dự kiến đến từ việc bàn giao 22 dự án tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm nay.
Mới đây, trong buổi giới thiệu về tầm nhìn và chiến lược, Novaland cho biết diện tích quỹ đất mà DN đang nghiên cứu và phát triển đạt 10.600 ha, tăng gấp đôi so với con số công bố một năm trước.
Novaland cũng là một trong hai DN bất động sản niêm yết có quỹ đất lớn nhất, chỉ đứng sau Tập đoàn Vinhomes.
Ông Nguyễn Thế An - Giám đốc Quan hệ Định Chế Tài chính của NovaGroup, cho hay, doanh thu năm nay dự kiến khoảng 35.000 tỷ với tổng 15.000 sản phẩm được cung ứng ra thị trường từ các tổ hợp dự án siêu quy mô bao gồm: NovaWorld Mui Ne (700 ha), NovaWorld Nha Trang (600 ha), NovaWorld Lang Co (280 ha)…
"Dù đang sở hữu lượng quỹ đất khủng, nhưng Novaland vẫn tiếp tục tìm kiếm quỹ đất mới, bởi với tốc độ triển khai và giới thiệu dự án mới như hiện nay, quỹ đất hiện có của Novaland chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong 5 - 7 năm tới", ông An chia sẻ.
Với Phát Đạt (PDR), kế hoạch lợi nhuận "khủng" cho năm 2022 được lãnh đạo DN đưa ra dựa trên 4 dự án lớn: khu đô thị du lịch Nhơn Hội – Bình Định, dự án cao tầng phân khu 9 Nhơn Hội New City (Bình Định), Astral City (Bình Dương) và Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, quỹ đất tại thời điểm cuối năm 2021 của Phát Đạt là 5.804 ha, tăng gấp 12 lần so với năm 2020, tập trung ở Quảng Ngãi (4.173 ha), Đà Nẵng (535,27 ha), Đồng Tháp (394,34 ha), Bình Dương (282,7 ha)...
Nếu tính cả quỹ đất cho bất động sản khu công nghiệp, thì tổng quỹ đất của Phát Đạt hiện lên tới 7.404 ha.
"Công ty đang tiếp cận nhiều quỹ đất, nếu trúng đấu thầu thì năm 2025, giá trị vốn hóa có thể đạt 5 - 7 tỷ USD, lợi nhuận 9.000-10.000 tỷ đồng", ông Đạt thông tin.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Hưng Thịnh, đang sở hữu quỹ đất phát triển lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại diện Hưng Thịnh cho biết, với quỹ đất lớn, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong 10 năm tới.
Không đứng ngoài cuộc đua "săn" quỹ đất, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) mới đây cũng hé lộ quỹ đất khoảng 2.500 ha. Đồng thời, Đất Xanh cũng đang tiếp tục tìm kiếm thêm các quỹ đất lớn để dần chuyển sang chiến lược kết hợp phát triển các khu đô thị, bất động sản công nghiệp có diện tích lớn.
Đặc biệt, Đất Xanh đã thông qua chủ trương cho các công ty con nghiên cứu đầu tư một số dự án tại Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai.
Nếu việc nghiên cứu các dự án mới thành công, quỹ đất của Đất Xanh có thể nâng lên hơn 4.000 ha.