Tín dụng "vọt" tăng 4,21%: Rót tiền vào bất động sản, ngân hàng ráo riết tăng lãi suất tiết kiệm
Tín dụng "vọt" tăng 4,21%: Rót tiền vào bất động sản, ngân hàng ráo riết tăng lãi suất tiết kiệm
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 04/04/2022 07:58 AM (GMT+7)
Tăng trưởng tín dụng tăng vọt, đạt 4,21% tính đến 23/3/2022, riêng trong tháng 3 tăng hơn 2%. Một số ý kiến cho rằng, dòng tiền từ các ngân hàng đã đổ vào bất động sản. Đồng thời, cầu tín dụng tăng mạnh kéo các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, đặc biệt là từ tháng 3.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Riêng trong tháng 3, tín dụng tăng trưởng 2,39%.
Tín dụng tăng vọt, tiền đổ vào bất động sản?
Cũng theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2022, trong 10,7 tỷ đồng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông chiếm 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,07% so với cuối năm 2021.
Dư nợ tín dụng đổ vào công nghiệp và xây dựng tăng 2,34%, đạt 2,9 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt 838.000 tỷ đồng, tăng 1,63% so với cuối năm 2021 – đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong các lĩnh vực kể trên.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong quý I, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn phục hồi chậm (CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92%, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu tăng, không phải do sức cầu tăng), một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng, tín dụng tăng mạnh (riêng tín dụng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%), không phải do nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh phục hồi.
"Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều người lo ngại về lợi nhuận của ngành ngân hàng, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng tốt. Điều này chứng tỏ dòng tiền chủ yếu đi vào bất động sản", ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, một minh chứng nữa là từ đầu năm đến nay, khi lãi suất tăng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu đi ngang.
Khảo sát của Dân Việt cũng cho thấy, hoạt động cho vay bất động sản tại nhiều ngân hàng tư nhân như tăng mạnh trong thời gian qua.
Điển hình tại TPBank, tính đến ngày 31/12/2021 số dư cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 9.762 tỷ đồng, tăng 6,91%. Nếu tính gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng, tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của TPBank đến hết năm 2021 có thể lên tới hơn 17.527 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý IV/2021, cho vay lĩnh vực bất động sản của VIB đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và chiếm gần 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Hay như tại Techcombank, tính đến thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt hơn 108.000 tỷ đồng, trong đó cho vay bất động sản đạt 95.912 tỷ đồng, tăng 27,61%.
Tương tự, dự nợ cho vay mảng xây dựng và kinh doanh bất động sản của MB tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 35.155 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ so với đầu năm.
Việc một số ngân hàng như Sacombank và Techcombank mới đây thông báo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay bất động sản khiến nhận định trên của vị chuyên gia này càng có cơ sở.
Trong đó, Sacombank ngừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022. Còn Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022, yêu cầu các đơn vị dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Dù vậy, nhiều chuyên gia phán đoán, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước mới cấp tạm room tín dụng ở mức thấp cho các ngân hàng và có thể đang xem xét nới thêm room. Những ngân hàng nào tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên sẽ có nhiều lợi thế.
Chính vì vậy, có thể, một số ngân hàng thương mại tạm hãm phanh cho vay bất động sản chính là để đợi cấp room mới. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp room tín dụng thận trọng đầu năm, sau đó lần lượt có thêm 2 đợt nới room tín dụng cho các ngân hàng, dựa trên khả năng tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của các ngân hàng.
Nhu cầu vốn không chỉ tăng mạnh trong quý I/2022, trong kết quả điều tra vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục kỳ vọng, nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng, bao gồm nhu cầu vay vốn tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng kể từ quý cuối năm ngoái.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Đáng chú ý, cầu tín dụng tăng mạnh cũng kéo cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại, đặc biệt là từ tháng 3 đến nay.
Theo quan sát, trong tháng 3, hàng loạt ngân hàng như BacABank, MSB, OCB, VietBank, SHB, NCB,…cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi và đa số theo xu hướng tăng, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,3%/năm.
Đà tăng lãi suất tiết kiệm vẫn đang được tiếp diễn ngay từ những ngày đầu tháng 4 này.
Chẳng hạn, biểu lãi suất tiết kiệm tại NamABank được cộng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn kể từ 1/4. Tiêu biểu, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của NamABank tăng 0,3 điểm % lên 6,5%/năm hay như tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,1 điểm %; 8 tháng tăng 0,2 điểm %.
Techcombank và VietCapitalBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 điểm % - 0,3 điểm %.
Đáng chú ý, sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank hiện tại duy trì ở mức 7,8%/năm. Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm Bảo hiểm tại Techcombank.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.