"Kho báu cổ vật triệu "đô" là một phần trong cuộc điều tra về tình trạng "chảy máu" cổ vật, liên quan tới ông trùm buôn lậu Subhash Kapoor, 73 tuổi, hiện đang ngồi tù tại Ấn Độ. (Ảnh: DM)
Yale University Art Gallery (YUAG) là Phòng trưng bày nghệ thuật của Đại học Yale ở thành phố New Haven, bang Connecticut, Mỹ. YUAG được thành lập từ năm 1832, là nơi lưu giữ một bộ sưu tập nghệ thuật bách khoa toàn thư lớn, bao quát hầu khắp các nền văn hóa và thời kỳ lịch sử.
Phòng trưng bày nghệ thuật của Đại học Yale thường xuyên thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan. (Ảnh: artgallery.yale.edu)
Báo Daily Mail ngày 3/4 dẫn thông báo hôm 30/3 của Đại học Yale cho biết YUAG vừa trao lại "kho báu" gồm 13 cổ vật quý trị giá 1,29 triệu USD cho Cơ quan Công tố quận Manhattan (DA's office) ở New York - nơi sẽ điều phối việc hồi hương số "cổ vật triệu đô" này vào cuối năm nay.
Tượng Thần Tài Kubera có từ thế kỷ 10, trị giá 550.000 USD. (Ảnh: DA's office)
12 trong 13 cổ vật trong "kho báu" có tổng trị giá 1,29 triệu USD này bị đánh cắp và buôn lậu ra khỏi Ấn Độ, cổ vật còn lại bị lấy trộm từ một ngôi đền ở Myanmar. Nổi bật nhất trong đó là Parikara - tác phẩm nghệ thuật mái vòm bằng đá cẩm thạch, có niên đại từ thế kỷ 12 hoặc 13, trị giá 85.000 USD; cùng bức tượng Thần Tài Kubera có từ thế kỷ 10, trị giá 550.000 USD (theo báo New York Times)
Parikara - tác phẩm nghệ thuật mái vòm bằng đá cẩm thạch, có niên đại từ thế kỷ 12 hoặc 13, trị giá 85.000 USD. (Ảnh: YUAG)
"Kho báu cổ vật triệu đô" này liên quan đến một "tay tổ" trong lĩnh vực Art dealer (môi giới nghệ thuật) là ông trùm Subhash Kapoor - người ngồi tù từ năm 2011 do bị cáo buộc điều hành một đường dây buôn lậu cổ vật đa quốc gia từ thập niên 1970 đến năm 2011. Có 9 cổ vật trong "kho báu" này được quỹ Rubin-Ladd Foundation tặng cho YUAG sau khi mua lại từ ông trùm Subhash Kapoor.
Ông trùm Subhash Kapoor ngồi tù từ năm 2011 do bị cáo buộc điều hành một đường dây buôn lậu cổ vật đa quốc gia. (Ảnh: The Hindu)
Ông Subhash Kapoor được mô tả là trùm buôn lậu cổ vật giỏi nhất thế giới, với mạng lưới buôn lậu cổ vật lớn nhất từng bị phanh phui kể từ thập niên 1990.
Ông ta dành nhiều thời gian đi khắp thế giới để tìm kiếm các "kho báu" cổ vật, phần lớn trong đó là tượng các vị thần Hindu, bất chấp việc chúng bị đánh cắp từ đền thờ, cướp bóc từ các địa điểm khảo cổ… Sau đó ông ta tạo xuất xứ sạch sẽ bằng các tài liệu giả cho cổ vật rồi xuất trái phép chủ yếu sang Mỹ.
Kết quả dẫn tới tiến trình hồi hương "kho báu cổ vật triệu đô" lần này có được sau một cuộc điều tra rộng rãi của DA's office quận Manhattan phối hợp với chi nhánh Điều tra An ninh nội địa thuộc Cơ quan Di trú Mỹ. Năm ngoái DA's office) quận Manhattan cũng đã hồi hương "kho báu" khoảng 250 cổ vật trị giá ước tính 15 triệu USD, vốn bị đánh cắp rồi đưa lậu ra khỏi Ấn Độ.
Ông trùm Subhash Kapoor đã sử dụng phòng trưng bày Arts of the Past gallery của mình trên đại lộ Madison ở New York, để lưu thông những "kho báu" bị đánh cắp từ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác tới khách hàng.
Trong số khách hàng nước ngoài của ông trùm Subhash Kapoor có cả một số bảo tàng, gồm: Musée des Arts Asiatiques-Guimes ở Paris; Bảo tàng Indische Kunst ở Berlin; Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto; Bảo tàng Văn minh Châu Á ở Singapore và Phòng trưng bày Quốc gia Australia.
Khách du lịch chiêm ngưỡng "kho báu" cổ vật tại Yale University Art Gallery. (Ảnh: artgallery.yale.edu)
Tới nay cuộc điều tra này đã thu hồi được 2.500 cổ vật có tổng trị giá 143 triệu USD và đã kết tội 6 đồng phạm của "ông trùm" Subhash Kapoor. Cuộc điều tra mở rộng hơn đang tập trung vào hàng chục nghìn cổ vật, được cho là bị ông trùm Subhash Kapoor buôn lậu vào Mỹ - điều ông ta vẫn bác bỏ trong khi chờ yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ.