Gạo Đắk Lắk được đánh giá có chất lượng thơm ngon hơn các vùng khác. Tuy nhiên, theo các đánh giá, Đắk Lắk chưa tạo được sản phẩm lúa gạo chât lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu…
6 tấn gạo ST của HTX Dịch vụ tổn hợp Thăng Bình (HTX Thăng Bình- thôn 2, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) vừa được đưa đến New Zealand.
Ông Võ Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nói với chúng tôi: "Chúng tôi chỉ may mắn. Doanh nghiệp này kinh doanh nhiều mặt hàng của Việt Nam tại nước ngoài nhưng chưa có gạo. Khi biết gạo Đắk Lắk thơm ngon, người của doanh nghiệp này đã đến tận nơi để khảo sát và cuối cùng đã mua gạo của chúng tôi".
Câu chuyện gạo HTX Thăng Bình được đưa ra thị trường thế giới thực ra không hề "may mắn" như ông Sơn nói.
Bởi nếu chất lượng hạt gạo ở đây không được đánh giá cao thì doanh nghiệp không cần "lùng" đến tận vùng quê hẻo lánh này để mua.
Ông Nguyễn Hoài Dương- Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển cây lúa. Sở sẽ xây dựng đề án phát triển, nâng cao giá trị lúa gạo, đánh giá tiềm năng, cơ hội, thách thức, định hướng trong tương lai với ngành lúa gạo; kiến nghị trung ương, địa phương tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành lúa gạo tỉnh nhà phát triển.
Nói về gạo Đắk Lắk, "cha đẻ" của giống lúa ST25 - kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định: "Gạo ở Đắk Lắk có chất lượng rất khác biệt so với các vùng khác. Cùng một giống lúa đó, nhưng nếu được trồng ở Đắk Lắk sẽ cho hạt gạo thơm ngon hơn, đặc biệt hơn".
Theo GS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Đắk Lắk còn có giống lúa rẫy. Đây là giống lúa có nguồn gen quý vẫn đang còn được bảo tồn trong đồng bào dân tộc M'nông tại huyện Lăk.
Theo Sở NNPTNT Đắk Lắk, tỉnh hiện có khoảng 100.000ha lúa. Sản xuất lúa của tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên, năng suất đạt 67,1 tạ/ha, đứng thứ 2 cả nước sau Phú Yên. Các địa phương trồng lúa của tỉnh đều sử dụng giống mới, chất lượng cao như: Đài thơm số 8, RVT, ST 24, ST 25, OM4900, HT1, OM5451…
Tuy nhiên, tỉnh chưa có các vùng sản xuất lúa quy mô lớn dẫn đến hạn chế về số lượng và chất lượng, khả năng cạnh tranh thị trường.
Các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều, liên kết sản xuất với nông dân chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được sản phẩm lúa gạo chât lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản lúa gạo còn thấp.
Ông Võ Văn Sơn chia sẻ với phóng viên, nông dân địa phương chủ yếu vẫn sản xuất tự giác, không có liên kết. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm ra thị trường không đồng đều. Không đủ sản lượng gạo đồng bộ để ký kết với các đối tác.
"Vấn đề quan trọng hiện nay đó là cần thay đổi tư duy của nông dân. Nông dân cần liên kết, có sự quản lý để có sự đồng bộ trong sản phẩm, có vùng nguyên liệu. Sản phẩm làm ra có nguồn gốc truy xuất. Nếu làm tự phát nhỏ lẻ, thì sản phẩm của nông dân khó được chấp nhận trên thị trường"- ông Sơn nói.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng, lúa gạo ở Tây Nguyên nói chung cho năng suất cao, chất lượng ngon và hương vị đặc biệt rất có tiềm năng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khu vực này còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, sản xuất manh mún, ít áp dụng khoa học vào sản xuất, chế biến sau thu hoạch dẫn đến chất lượng không đồng đều, chưa tạo được thương hiệu riêng.
GS Bùi Chí Bửu nhận định: "Tây Nguyên cần xây dựng "mô hình nhỏ" nhưng công nghệ lớn. Chúng ta phải đầu tư khoa học vào mới có sự khác biệt. Thí dụ gạo cho người bị tiểu đường, gạo cho người bị huyết áp cao... Nếu chúng ta theo hướng thực phẩm chức năng chế biến đáp ứng như cầu thị hiếu thị trường của thế giới thì mới có sự khác biệt của gạo Tây Nguyên so với gạo ĐBSCL và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới".
Ông Trịnh Xuân Tài - đại diện Công ty TNHH MTV cà phê 721- một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo cho Đắk Lắk, cho rằng, trên địa bàn tỉnh chưa có vùng sản xuất lúa giống chất lượng, chuyên nghiệp.
Đây là cản trở lớn trong việc phát triển, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho cây lúa cho tỉnh nhà. Ea Kar là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về diện tích, sản lượng lúa và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho "hạt ngọc trời".
Ông Tài kiến nghị, lãnh đạo tỉnh, địa phương, các sở ban ngành quan tâm, xây dựng vùng trồng lúa Ea Kar thành vùng sản xuất lúa giống của tỉnh.