Dân Việt

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Dầu lao dốc, dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực

P.V 07/04/2022 08:14 GMT+7
Giá dầu đã giảm tới 5%, xuống 101,1 USD/thùng. Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để cố gắng dập tắt đà tăng giá của dầu.

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Dầu lao dốc, dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay (7/4) sau khi giảm sâu hơn 5% vào phiên trước, vì các quốc gia tiêu thụ dầu lớn cho biết sẽ giải phóng dầu tư kho dự trữ để đối phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,48% lên 96,68 USD/thùng vào lúc 7h01 (giờ Việt Nam) ngày 7/4. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 giảm 0,22% xuống 101,6 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 1,28% xuống 101,96 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 0,83% xuống 106,64 USD/thùng. Các lệnh cấm của châu Âu lên Nga vẫn thiếu sức nặng và khó có thể tạo thêm sức ép cho Nga.

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Dầu lao dốc, dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực  - Ảnh 1.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm khi ngành dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực.

Theo dự kiến, châu Âu sẽ ngưng nhập khẩu than và gỗ, hóa chất từ Nga, với trị giá kim ngạch trong năm 2021 vào khoảng 10 tỷ USD. Để so sánh, nhập khẩu dầu khí của EU từ Nga trị giá khoảng 100 tỷ USD. Như vậy, lệnh cấm này khó có thể đủ sức nặng để thay đổi chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Theo thống kê, hầu hết các cuộc chiến, hay xung đột vũ trang hiện đại đều kéo dài hơn 2 tháng. Như vậy, từ giờ cho đến tháng 5, khó có thể kỳ vọng các căng thẳng sớm giảm bớt, trừ khi có các động thái quyết liệt từ các bên. 

Như vậy, quyết định của EU ngày hôm qua, vòng cấm vận lần thứ 5 cho thấy nhóm không sẵn sàng từ bỏ các lợi ích kinh tế từ nguồn cung cấp năng lượng ổn định của Nga. Hiện tại, các nước châu Âu như Ba Lan cũng đã lên tiếng cho biết họ đã phải tốn kém đáng kể để trợ giúp cho Ukraine. Điều này sẽ khiến cho họ ngần ngại trong việc chịu thêm gánh nặng tài chính và kinh tế nếu tự “cắt đứt” nguồn cung năng lượng. 

Kết hợp với báo cáo mới đây của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA và Báo cáo dầu khí tuần của Viện Dầu khí Mỹ API sáng nay cho thấy nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ có thể sắp chững lại. Báo cáo Cung cấp xăng dầu hàng tháng của EIA điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 1 từ mức 21,8 triệu thùng/ngày trong các báo cáo tuần xuống 19,7 triệu thùng/ngày. Tồn kho dầu thô lẫn nhiên liệu chưng cất đều tăng lên báo hiệu một sự suy yếu theo mùa của nhu cầu tiêu thụ. Tiêu thụ có thể giảm nhiều hơn các năm trước, do giá xăng cao kết hợp với lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của người dân.

Theo dự báo của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá WTI kỳ hạn tháng 05/2022 có thể sẽ tiếp tục test lại vùng 100 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Dầu lao dốc, dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực  - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Dầu lao dốc

Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.309 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.153 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.080 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.764 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.

Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để cố gắng dập tắt đà tăng giá.

Đợt giải phóng này sẽ gồm 60 triệu từ Mỹ. Cam kết đó là một phần của tuyên bố trước đó của Washington về việc giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ.

Đây là lần thứ hai IEA phát hành dầu từ kho dự trữ trong năm nay và tăng nguồn cung trên toàn thế giới thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ít nhất hai tháng tới, khi thế giới cố gắng khắc phục khả năng mất nguồn dầu của Nga. Tổ chức có khoảng 1,5 tỷ thùng dầu dự trữ chiến lược.