Dù không có sự hiện diện rõ ràng của nguồn chất phóng xạ trong phòng, nhưng các quan chức Ukraine nói rằng nó đến từ các hạt nhỏ và bụi mà các binh sĩ đã mang vào tòa nhà.
Người lính Ukraine Ihor Ugolkov giải thích: “Họ đã vào Rừng Đỏ và mang theo chất phóng xạ trở lại cùng giày của họ. Những nơi khác vẫn ổn, nhưng bức xạ tăng ở đây, bởi vì họ (những người lính Nga) đã sống ở đây".
Đây là lần đầu tiên CNN được độc quyền tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Chernobyl kể từ khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát nơi này từ các lực lượng Nga.
Các quan chức của nhà máy Chernobyl giải thích, mức độ phóng xạ bên trong căn phòng mà binh lính Nga sử dụng chỉ cao hơn một chút so với mức mà Hiệp hội Hạt nhân Thế giới mô tả là bức xạ tự nhiên. Tiếp xúc một lần sẽ không nguy hiểm nhưng tiếp xúc liên tục sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
“Họ (lính Nga) đã đi khắp nơi, và họ cũng mang theo một ít bụi phóng xạ lên người khi họ rời đi”, người lính Ukraine Ugolkov cho biết thêm.
Đó là một ví dụ về những gì các quan chức Ukraine cáo buộc là hành vi bất cẩn của các binh sĩ Nga khi họ kiểm soát địa điểm từng xảy ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng năm 1986. Khu vực xung quanh Chernobyl, cụ thể là Rừng Đỏ, vẫn là khu vực bị ô nhiễm hạt nhân nặng nhất hành tinh, với hầu hết các hạt phóng xạ hiện diện trên đất.
Các quan chức Ukraine đã công bố đoạn phim bằng máy bay không người lái về những gì họ nói là chiến hào do binh sĩ Nga đào ở khu vực Rừng Đỏ, nơi đặc biệt nhiễm phóng xạ. Tại một vị trí an toàn, ở rìa của khu vực đó, CNN đã nhìn thấy một hộp khẩu phần ăn của quân đội Nga có mức phóng xạ cao hơn 50 lần so với mức phát xạ tự nhiên.
Các binh sĩ Nga đã kiểm soát Chernobyl trong một tháng và được cho là đã hoạt động trong các khu vực bị ô nhiễm phần lớn thời gian này.
"Thật là điên rồ. Tôi thực sự không biết tại sao họ lại làm vậy (đi vào Rừng Đỏ)", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông Galushchenko nói với CNN tại nhà máy. “
"Nhưng chúng ta có thể thấy họ đã vào đó, những người lính Nga đã đến đó, quay lại đây rồi mức độ bức xạ ở đây tăng lên", ông Galushchenko cho biết.
Mặc dù Chernobyl không phải là một nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, nhưng nó vẫn cần được bảo dưỡng để tránh rò rỉ phóng xạ sau vụ nổ lò phản ứng cách đây 36 năm. Ngoài ra còn có một lượng đáng kể nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cần được giám sát.
“Khu đó phải có điện, phải có hệ thống thông gió, v.v.”. Ukraine phải chịu trách nhiệm về an ninh nhưng khi không thể kiểm soát khu vực này thì tất nhiên, đó là một mối đe dọa", ông Galushchenko giải thích.
Một phần của mối đe dọa đó theo ông Galushchenko cũng đến từ cách các binh sĩ Nga quản lý những người chịu trách nhiệm duy trì các cơ sở hạt nhân ở đây sau khi họ tiến vào Chernobyl.
"Khi mọi người kiệt quệ về thể chất và tinh thần, khi bạn đang bị đe dọa bởi súng đạn, và bạn phải chịu áp lực hàng ngày từ những người lính, đó thực sự là một công việc rất khó khăn", ông Galushchenko nhấn mạnh.
Volodymyr Falshovnyk, 64 tuổi, là quản lý ca tại Chernobyl. Ông trở lại nhà máy điện vào ngày 20/3 khi quân đội Nga cho phép các nhân viên tại đây luân phiên trực với các đồng nghiệp của họ từ thành phố Slavutych gần đó, nơi có nhiều công nhân của nhà máy sinh sống.
Ông Falshovnyk cho biết, các nhân viên ở Chernobyl đã làm việc dưới áp lực rất lớn, không chỉ vì những gì đang xảy ra tại Chernobyl, mà còn vì những tin tức mà họ nhận được từ thế giới bên ngoài.
"Người thân của chúng tôi bắt đầu gọi điện và nói rằng thành phố đang bị tấn công, có những người bị thương và chết. Chúng tôi hỏi người Nga chuyện gì đang xảy ra. Họ nói rằng không có quân đội Nga chính quy ở đó nhưng chúng tôi tiếp tục nghe tin rằng có pháo kích", ông Falshovnyk nhấn mạnh.
Làm việc trong những điều kiện đó rất căng thẳng, nhưng được cho là không là gì so với những gì các nhân viên an ninh Ukraine phải đối mặt, theo CNN.
169 binh sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine, những người bảo vệ cơ sở Chernobyl đã bị nhốt trong boongke hạt nhân dưới lòng đất thời Chiến tranh Lạnh của nhà máy trong những khu chật hẹp mà không được tiếp cận với ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành hoặc giao tiếp với thế giới bên ngoài, theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Moosystemrskyy tuyên bố.
"Họ bị giam giữ ở đây trong 30 ngày mà không có đủ ánh sáng và thức ăn. Họ không được phép ra ngoài", ông Denys Moosystemrskyy nói khi đứng bên trong boongke.
Theo vị bộ trưởng, ông tin rằng khi lính Nga rút, nhóm vệ binh cũng đã được đưa đến Nga, thông qua ngả Belarus để làm tù nhân chiến tranh, nhưng không biết chắc chắn.
CNN đã được quay cảnh bên trong boongke và những nơi khác. Lính Nga được cho là đã lục soát một số nơi. Quần áo, đồ dùng vệ sinh và các đồ dùng cá nhân khác vương vãi khắp sàn nhà.
"Quân đội Nga đã rà soát tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của nhân viên Ukraine", ông Moosystemrskyy cho biết.
Trong khi đó, về phần mình, Moscow đã nói rất ít về những gì binh lính của họ đã làm tại Chernobyl. Lần cuối cùng Bộ Quốc phòng Nga đề cập đến địa điểm hạt nhân này là vào ngày 26/2, xác nhận việc họ giành được quyền kiểm soát khu vực và tuyên bố rằng họ đã sắp xếp để đảm bảo an toàn cho khu vực.