Để trực tiếp quan sát "tuyệt chiêu" bắt cua biển ở khu vực bãi đá ngầm xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), phóng viên Dân Việt được những người phụ nữ xã Nga Tân đồng ý cho đi theo cùng.
Clip những phụ nữ tay không "săn" cua biển giữa bãi đá (xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Đồng thời, những phụ nữ này luôn nhắc phóng viên phải đi nhiều lớp tất chân, buộc dây tất cẩn thận nhằm tránh con hàu cứa vào lại chảy máu.
Cô Đinh Thị Hương (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) tâm sự: "Tôi làm nghề bắt cua biển giống về bán cho các chủ ao, đầm nuôi cua thương phẩm khoảng 30 năm nay.
Nghề bắt cua biển cũng vất vả, khó nhọc, nguy hiểm…nên đòi hỏi người đi "săn" cua biển về nuôi phải khéo léo trong từng bước chân di chuyển, kiên trì, chịu khó mới làm được".
Trước kia, ở khu vực bãi đá ngầm xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) có rất đông người đi bắt cua biển về nuôi, bán, nhưng giờ lượng cua biển cũng ít và người đi bắt giảm dần. Tuy nhiên, nhóm chị em chúng tôi có 4 người vẫn duy trì đi bắt con cua biển đều hàng ngày.
Theo cô Hương, những con cua biển thường chọn ẩn nấp ở vũng nước còn sót lại sau khi thủy triều rút. Ngoài ra, quanh các gốc cây bần, dưới các tảng đá lớn…cũng là "ngôi nhà" lý tưởng để cua biển ở.
Quan sát của phóng viên Dân Việt, những phụ nữ bắt cua biển thường buộc theo sau lưng những chiếc can, chai nhựa dùng đựng cua biển và các loại cá bống, cá bớp khi bắt được.
Cô Hương chia sẻ: "Mỗi ngày tôi lội trực tiếp dưới lớp bùn lầy khoảng 6-8 tiếng đồng hồ để bắt cua biển. Cua biển bắt được chỉ to bằng ngón tay, chân, và hôm may mắn thì bắt được con to bằng cái bát ăn cơm.
"Bình quân một tháng, nhóm chị em chúng tôi đi bắt con cua biển khoảng 15-20 ngày (dựa vào con nước) theo thủy triều lên, xuống...Thu nhập thì cũng thất thường vào từng ngày, có ngày chỉ được 100.000-200.000 đồng và đôi khi lại bán được 400.000-500.000 đồng", cô Đinh Thị Hương (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) chia sẻ.