Thợ săn Thanh Hóa "thu phục" con cáy lông bằng chai nhựa bỏ đi, có người bỏ túi nửa triệu đồng/ngày
Thợ săn Thanh Hóa "thu phục" con cáy lông bằng chai nhựa bỏ đi, có người bỏ túi nửa triệu đồng/ngày
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 28/10/2021 06:06 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, người dân các xã Hoằng Xuân, Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vẫn sống bằng nghề “săn” con cáy lông dọc hai bên bờ sông Bút, Mã...có người bỏ túi gần nửa triệu đồng/ngày.
Để trực tiếp theo dõi quá trình người dân "thu phục" con cáy lông tại các bãi bồi ven sông Lèn, Bút, Mã…Phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Vui (xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), người có nhiều năm kinh nghiệm "săn" con cáy lông.
Clip dùng chai nhựa làm bẫy, ngày bắt 5-7 kg con cáy lông ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Được ông Vui nhận lời, chúng tôi đã sẵn sàng lên thuyền tới khu vực mà con cáy lông thường xuất hiện sau khi nước sông rút.
Ngồi trên thuyền, ông Nguyễn Văn Vui kể: "Tôi đã có 15 năm bắt con cáy lông về làm thức ăn, bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trước kia, tôi thường đi câu con cáy, nhưng giờ chuyển qua đặt bẫy bóng nhựa, ngày bắt khoảng 5-7 kg con cáy lông là chuyện thường".
Theo ông Vui, khu vực ông thường hay "tập kích" con cáy lông không cố định, có hôm thì ven bên bờ sông Bút, và cũng có khi ở ven bờ sông Mã nơi nào xuất hiện con cáy lông nhiều là có dấu chân của ông Vui ở đó.
Nghề "săn" con cáy lông không khó, chỉ cần lượm các chai nhựa loại 1,5 lít về cắt phần đầu chai và đan vào đó là một chiếc hom (con cáy chui vào không chui ra được), chiếc hom này được đan bằng các thân, cành cây tre vót nhỏ.
Đặc biệt, cái bẫy bóng nhựa ông Vui thiết kế được đục các lỗ nhỏ bao quanh nhằm tạo sự thông thoáng khi con cáy chui vào không sợ ngạt khí chết, về bán mới có thương lái mua.
Những nguy hiểm khi đi đặt bẫy bắt con cáy lông
Để dụ con cáy lông vào trong bóng nhựa, ông Vui "chế" loại mồi từ cám gạo rang thơm để nguội, con cá bị thối...Khi thấy thức ăn, những con cáy sẽ rời ra khỏi hang và chui thẳng vào bẫy.
Với số lượng bẫy bóng nhựa mà ông Vui đang có khoảng 150 chiếc, sau 6 tiếng lội bùn đi đặt bẫy, ông Vui cũng bắt được 5-7 kg con cáy lông.
Quan sát ông Vui đặt bóng nhựa bắt con cáy lông, khoảng cách đặt thường 2 mét/bẫy, có thể đặt nghiêng hoặc thẳng đứng dưới lớp bùn sao cho con cáy bò vào thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Vui tâm sự: "Con cáy lông thường có nhiều vào tháng 4-7 dương lịch hằng năm, mỗi tháng đặt bẫy được 10-15 ngày. Đây là loài bò nhanh, có tiếng động lao ngay xuống hang ẩn nấp nên khi đi bắt phải bước nhẹ nhàng. Hiện tại, giá bán con cáy cho các lái buôn từ 45.000-50.000 đồng/kg.
Theo dõi cách ông Vui "thu phục" con cáy và những chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng. Tại các khu vực con cáy sinh sống thường là những nơi rậm rạp, lầy lội nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như: Rắn, gai hoặc các vật sắc nhọn khác nằm dưới lớp bùn...sẽ dẫn tới những tai nạn khó lường.
Được biết, con cáy lông mà ông Vui cùng người dân các xã Hoằng Xuân, Hoằng Xuyên…(huyện Hoằng Hóa) bắt là loài thuộc thân hình nho nhỏ, càng to, các chân nhiều lông, có nhiều màu vân.
"Nghề bắt con cáy lông ở xã Hoằng Xuyên đã có từ lâu đời, trước kia người dân chủ yếu bắt về làm mắm ăn quanh năm. Hiện giờ trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ vẫn theo nghề bắt cáy, bởi một phần số lượng cáy giảm, và nhiều người dân chọn đi làm việc tại các công ty nên ít người đi bắt hơn", ông Nguyễn Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.