PBK-500U là bom chùm đa năng của Nga, được coi là vũ khí tương đương với tên lửa AGM-154 JSOW của Mỹ. Mỗi quả bom đều trang bị cánh nâng và lái hướng cỡ lớn, cho phép nó lượn hơn 30 km khi thả từ độ cao lớn.
PBK-500U "Drel" được bắt đầu phát triển vào những năm 1990, tuy nhiên đến năm 2016, loại bom này mới được thử nghiệm. Có ý kiến cho rằng, việc phát triển "Drel" bị trì hoãn là do sự chậm trễ của việc ứng dụng hệ thống định vị GLONASS.
Ngoài hệ thống định vị vệ tinh, quả bom này còn tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính. Tầm hoạt động tối đa của bom PBK-500U "Drel" là khoảng 30-50 km, thấp hơn 3 lần so với quả bom chùm chống tăng AGM-154B của Mỹ. Tuy nhiên, quả bom PBK-500U "Drel" của Nga có những ưu thế riêng của mình.
PBK-500U “Drel" được trang bị 15 thành phần chiến đấu tự dẫn hay còn gọi là bom cỡ nhỏ SPBE-K có khả năng xác định mục tiêu. Trong quá trình được thả rơi, mỗi quả bom cỡ nhỏ SPBE-K quét không gian bằng cảm biến hồng ngoại và radar, tấn công vào điểm yếu của đối phương. Quả bom cỡ nhỏ BLU-108 được trang bị cho quả bom chùm AGM-154B của Mỹ cũng hoạt động theo thuật toán tương tự. Sự khác biệt duy nhất là nó nhắm đến mục tiêu bằng một kênh hồng ngoại. Ngoài ra, những quả bom nhỏ SPBE-K của Nga có thể xác định được quân của phe mình và của địch nên có thể được áp dụng trong các trận đấu xe tăng, khi xe tăng của hai bên ở vị trí gần nhau. Các nhà phát triển PBK-500U "Drel" cho biết , một quả bom "Máy khoan" có khả năng tiêu diệt 6 xe tăng của đối phương. Theo các chuyên gia, có thể trong tương lai gần các loại bom định hướng khác sẽ được sử dụng và phạm vi hoạt động của những loại bom này sẽ không chỉ giới hạn trong các trận đấu xe tăng.
Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok nhấn mạnh: "Ưu điểm chính của các loại bom định hướng là chi phí rẻ hơn nhiều so với tên lửa dẫn đường bằng laser, nhưng chúng vẫn có một phạm vi bay tiêu chuẩn và khả năng tiêu diệt mục tiêu chính xác cao. Thêm vào đó, mức giá phải chăng khiến các loại bom định hướng được sử dụng ồ ạt”.
Khi phát hiện mục tiêu, SPBE-K sẽ phóng ra đầu đạn nặng 1 kg với tốc độ 3.000 m/s, đủ sức xuyên giáp thép dày 100 mm. Hướng tấn công từ phía trên sẽ nhằm vào phần nóc xe, nơi có vỏ giáp mỏng và dễ bị bắn thủng nhất.
Tuy nhiên, các loại bom định hướng vẫn còn một vài điểm thiếu sót. Các tín hiệu dẫn đường vệ tinh có thể dễ dàng bị chế ngự bằng hoạt động tác chiến điện tử. Mặt khác, nếu thay thế các hệ thống dẫn đường cũ bằng các hệ thống dẫn đường cải tiến thì giá của một quả bom định hướng sẽ tăng lên đáng kể. Khi đó, lợi thế của bom định hướng so với tên lửa dẫn đường sẽ không còn. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của các hệ thống phòng không hiện đại đang ngày càng tăng lên. Do vậy, phạm vi tối ưu để áp dụng các quả bom định hướng có thể là các cuộc xung đột có cường độ thấp và trung bình cùng với hoạt động chống khủng bố.
Quả bom định hướng đầu tiên trên thế giới Henschel Hs 293 của Đức với tầm hoạt động 14km đã được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong những năm sau chiến tranh, công tác phát triển bom định hướng chủ yếu là thực nghiệm. Bom định hướng được tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990 cùng với việc ứng dụng Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System - GPS), cho phép loại bom này tấn công chính xác mục tiêu. Hệ thống định vị toàn cầu GPS là hệ thống xác định vị trí dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo, do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý. Trong cùng một thời điểm, tọa độ của một điểm trên mặt đất sẽ được xác định nếu xác định được khoảng cách từ điểm đó đến ít nhất ba vệ tinh. Trong những năm gần đây, kho vũ khí của Lầu Năm Góc đã tiếp nhận một số loại bom định hướng. Đó là quả bom GBU-39 với phạm vi hoạt động lên đến 110km và AGM-154 JSOW có khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi 130km.