Sư đoàn khác gì Lữ đoàn? Vì sao quân đội Trung Quốc cải biên hết sư đoàn thành lữ đoàn?

V.T.Đ (theo Sohu) Thứ ba, ngày 05/04/2022 18:31 PM (GMT+7)
Trung Quốc hiện nay gần như không có bộ đội cấp sư đoàn mà chỉ còn cấp lữ đoàn. Vậy thì cấp sư đoàn và cấp lữ đoàn có gì khác nhau? Vì sao phải đổi sư đoàn thành lữ đoàn?
Bình luận 0

Nói tới biên chế quân đội, những người am hiểu về quân sự có thể hay nói tới các đơn vị như quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn. Trong những cấp này, sư đoàn và lữ đoàn là hai cấp biên chế thường thấy, có một số liên hệ nhất định nhưng vẫn có những khác biệt lớn.

Lấy ví dụ như quân đội Trung Quốc, hiện nay gần như không có bộ đội cấp sư đoàn mà chỉ còn cấp lữ đoàn. Đây là tình huống xuất hiện từ sau việc đổi cấp sư đoàn thành cấp lữ đoàn sau những năm 1990. Vậy thì cấp sư đoàn và cấp lữ đoàn có gì khác nhau? Vì sao phải đổi sư đoàn thành lữ đoàn?

Sư đoàn khác gì Lữ đoàn? Vì sao quân đội Trung Quốc cải biên hết sư đoàn thành lữ đoàn? - Ảnh 1.

Ngược trở lại lịch sử, sau khi kháng chiến bùng nổ, Hồng quân Trung Quốc được cải biên thành Bát Lộ Quân và Tân Tứ Quân. Trong đó, phiên hiệu chính thức của Bát Lộ Quân là Tập đoàn quân 18. Bộ khung là tập đoàn quân nhưng biên chế chỉ là cấp quân đoàn. Dưới Bát Lộ Quân có 3 sư đoàn chủ lực, mỗi sư đoàn có 2 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có 2 trung đoàn. Còn Tân Tứ Quân thì có bộ khung là cấp quân đoàn và biên chế cũng cấp quân đoàn. Sau sự biến Hoàn Nam, biên chế Tân Tứ Quân cũng là "Sư – Lữ - Trung đoàn".

Trước đó, trong thời kỳ chiến tranh cách mạng thổ địa, quân đội của Trung Quốc có 3 lực lượng chủ lực (gọi là Hồng Nhất phương diện quân, Hồng Nhị phương diện quân, Hồng Tứ phương diện quân) đều không có biên chế cấp lữ đoàn mà chỉ có cấp quân đoàn hoặc là quân đoàn quản lý vài sư đoàn, sư đoàn quản lý vài trung đoàn. Sau khi kháng chiến thắng lợi, biên chế cấp lữ đoàn cũng biến mất trong quân đội Trung Quốc.

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, quân đội Trung Quốc có 4 quân đoàn dã chiến và quân khu Hoa Bắc không có biên chế cấp lữ đoàn. Biên chế cơ bản ở những nơi này là Binh đoàn – quân đoàn – sư đoàn – trung đoàn. Nhưng ở các quân khu khác thì có một số đơn vị cấp lữ đoàn, ví dụ quân khu trung nguyên có tên gọi "Bì Lữ" chính là đơn vị cấp lữ đoàn. Nói tóm lại, trong chiến tranh giải phóng, đơn vị cấp lữ đoàn là cực kỳ ít trong quân đội Trung Quốc.

Có điều này là vì trước khi thành lập nước Trung Quốc mới (1949), cấp sư đoàn và lữ đoàn có một số khác biệt. Khi tồn tại lữ đoàn thì lữ đoàn là đơn vị thuộc sư đoàn và lữ đoàn lại quản lý trung đoàn. Sau năm 1949, quân đội Trung Quốc chỉnh đốn biên chế, cấp lữ đoàn gần như không còn mà chỉ còn sư đoàn. Trong gần 40 năm sau đó, biên chế của quân đội Trung Quốc cơ bản là "quân đoàn – sư đoàn – trung đoàn".

Giữa những năm 1980, xuất hiện đơn vị tập đoàn quân, rồi sau đó rải rác xuất hiện một số đơn vị cấp lữ đoàn, chẳng hạn lữ đoàn bộ binh cơ giới, lữ đoàn tăng thiết giáp… Sau khi sư đoàn cải biên thành lữ đoàn, đơn vị cấp lữ đoàn càng ngày càng nhiều còn cấp sư đoàn thì hầu như bị đổi thành lữ đoàn. Biên chế lục quân đổi thành "tập đoàn quân – lữ đoàn – tiểu đoàn".

Lữ đoàn là biên chế rút gọn của sư đoàn, so với sư đoàn có những khác biệt. Tuy cấp trên trực tiếp cũng là quân đoàn nhưng cấp dưới trực tiếp của sư đoàn là trung đoàn, còn cấp dưới trực tiếp của lữ đoàn là tiểu đoàn. Vậy thì tại sao lại phải đổi sư đoàn thành lữ đoàn?

Trong thời đại tác chiến đại binh đoàn ở quá khứ, sư đoàn là đơn vị chiến dịch cơ bản, tức là một sư đoàn có khả năng phát động một chiến dịch nhỏ. Sư đoàn vừa là cơ quan chỉ huy vừa là đơn vị tác chiến. Một sư đoàn có 4 hoặc 5 trung đoàn, lại cộng thêm cơ quan sư đoàn bộ, tổng quân số vào khoảng 1 vạn người. Do bộ máy cồng kềnh nên tính cơ động khá yếu, khi đối mặt với vũ khí hạng nặng của địch thường bị tổn thất rất lớn, bộ đội rất dễ rơi vào thế bất lợi.

Ngoài ra, biên chế cấp sư đoàn có thể cản trở việc nắm thời cơ. Nếu cần điều động binh lực hoặc triển khai hành động thì đều là quân đoàn hạ lệnh xuống sư đoàn, sư đoàn lại hạ lệnh cho trung đoàn, trung đoàn hạ lệnh cho các tiểu đoàn. Các tầng cấp chỉ huy càng nhiều thì việc chỉ huy càng bất tiện, rất có thể vì vậy mà bỏ lỡ thời cơ. Sau khi sử dụng biên chế từ lữ đoàn xuống tiểu đoàn, lệnh từ quân đoàn xuống lữ đoàn, lữ đoàn tới tiểu đoàn, rất nhanh gọn, không phải lo lắng vấn đề này, các tầng cấp chỉ huy rất thông suốt, tiện cho bộ đội phản ứng nhanh chóng.

Mục đích của việc cải biên sư đoàn thành lữ đoàn là để thích ứng hoàn cảnh chiến tranh thời đại mới, đồng thời hiệu quả cũng rất rõ ràng. Sau khi sư đoàn cải thành lữ đoàn, bộ đội có thể linh hoạt bài binh bố trận, tăng cường tính cơ động, giảm thiểu thời gian truyền đạt mệnh lệnh, chỉ huy càng thông suốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem