Phi cơ không người lái UAV Okhotnik: "Thợ săn bầu trời" nặng 20 tấn của Nga

Duy Sơn Thứ sáu, ngày 08/04/2022 19:31 PM (GMT+7)
UAV Okhotnik có kích thước và uy lực lớn, sở hữu các tính năng hiện đại để trở thành nguyên mẫu tiêm kích thế hệ 6 của Nga.
Bình luận 0

"Máy bay không người lái Okhotnik (Thợ săn) sẽ trở thành nguyên mẫu cho tiêm kích thế hệ 6, dù chiến đấu cơ thế hệ mới vẫn đang trong quá trình định hình", quan chức công nghiệp quốc phòng Nga cho biết hồi tháng 7/2018. Sự xuất hiện của Okhotnik có thể thay đổi quan niệm Nga đang tụt hậu so với Mỹ ở lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái (UAV).

Phi cơ không người lái UAV Okhotnik: "Thợ săn bầu trời" nặng 20 tấn của Nga - Ảnh 1.

Nguyên mẫu Okhotnik-B thử nghiệm hồi năm 2014. Ảnh: Topwar.

Năm 2011, chính phủ Nga ký hợp đồng với Tập đoàn Sukhoi để khởi động dự án "Tổ hợp Tấn công Trinh sát không người lái" (URBK), tiền thân của Okhotnik. Nhà sản xuất Sukhoi dự tính đẩy mạnh dự án này sau khi hoàn thiện tiêm kích tàng hình Su-57. Tuy nhiên, việc chương trình Su-57 liên tục chậm tiến độ cũng gây ảnh hưởng tới dự án URBK.

Okhotnik có khối lượng 20 tấn, tương đối đồ sộ so với những chiếc UAV cùng loại. Nó được trang bị một động cơ turbine phản lực và đạt tốc độ tối đa 1.000 km/h.

Thiết kế cơ bản của Okhotnik được hoàn thiện và thử nghiệm trên mặt đất năm 2014, trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay. Giới phân tích phương Tây nhận xét UAV của Nga ứng dụng thiết kế cánh bay (flying wing), tương tự UAV tàng hình RQ-170 do Mỹ phát triển.

Ngoài ra, Okhotnik được làm từ vật liệu tổng hợp và phủ một lớp hợp chất hấp thụ radar ở bên ngoài. Bom thông minh và tên lửa có thể được giấu trong thân máy bay để tăng khả năng tàng hình trước các hệ thống cảnh giới đối phương.

Phi cơ không người lái UAV Okhotnik: "Thợ săn bầu trời" nặng 20 tấn của Nga - Ảnh 2.

Hình ảnh một mẫu UAV hạng nặng do Sukhoi phát triển được rò rỉ trên mạng năm 2017. Ảnh: Sputnik.

UAV thế hệ mới của Nga sẽ được triển khai cho nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không, sở chỉ huy, thông tin liên lạc đối phương. Nhiều khả năng nó sẽ được tung ra trong giai đoạn đầu xung đột để loại bỏ các mối đe dọa, mở đường cho chiến đấu cơ có người lái tham chiến.

"Nga có thể sử dụng Okhotnik như nền tảng phát triển công nghệ tự động hoặc các mẫu UAV khác. Với kích cỡ tương đương máy bay X-47B Mỹ, nó sẽ có trọng tải đáng kể. Tuy nhiên, tuyên bố biến nó thành tiêm kích thế hệ 6 vẫn đặt ra nhiều hoài nghi", Michael Kaufman, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, nhận định.

Hiện nay vẫn chưa rõ các năng lực tác chiến của Okhotnik cũng như cách Nga biến nó thành tiêm kích thế hệ 6, khái niệm còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem