Để có thể mưu sinh được bằng nghề nuôi ong lấy mật, những người làm nghề này cũng phải như những con ong thợ bay đi tìm hoa, hút mật ở khắp mọi nơi trong nước. Nhóm liên kết nuôi ong lấy mật của anh Trần Văn Nhuần ở Khoái Châu, Hưng Yên là một trong số đó.
Trò chuyện với anh Nhuần, chúng tôi được biết, anh Nhuần đã làm nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2000 đến nay, trong đó 2 năm đầu đi làm "cửu vạn" cho các chủ nuôi ong dày dạn kinh nghiệm.
Sau khi học lỏm được nghề, anh xin ra "ở riêng".
Thoạt đầu để tránh mạo hiểm thua thiệt, anh chỉ đầu tư nuôi 150-200 thùng (đàn) ong, khi có lãi anh mới nâng dần số thùng nuôi lên 500 đàn ong như hiện tại. Sản lượng thu được mỗi năm khoảng 40-50 tấn mật các loại, chủ yếu là mật nhãn, vải, keo và cà phê. Tổng giá trị sản lượng ước đạt trên dưới 2 tỷ đồng (tùy từng năm).
Tuy thu về nhiều tiền nhưng rải đường căn bản là gần hết. Vì phải trả thuê công lao động, thuê xe chở ong đi khai thác mật ở khắp mọi nơi, lại còn nghỉ vài tháng dưỡng ong. Bao gồm nhân nuôi đàn ong chúa, ong thợ, bổ sung các đồ dùng chăn nuôi, thay mới thùng và cầu nuôi ong,...
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nhuần kể: Mưu sinh bằng nghề nuôi ong lấy mật phải có sức khỏe tốt, chịu được sự buồn tẻ, vất vả.
Bởi cuộc sống người nuôi ong luôn nay đây mai đó, ăn bờ, ngủ bụi trong những túp lều dựng tạm dưới tán cây, ven đường dưới mọi điều kiện thời tiết, không điện lưới thắp sáng, không sóng viễn thông kết nối, xa những chốn phồn hoa đô hội.
"Thậm chí, hạnh phúc vợ chồng chẳng khác nào "ông Ngâu bà Ngâu", mỗi năm gần nhau được khoảng mười lần. Rồi kẻ ở lại quê hương trông nom nhà cửa và nuôi dạy con nhỏ, người đi theo các đàn ong tìm hoa lấy mật mọi lúc, mọi nơi có thể! Nhiều khi tưởng như đang sống ở hành tinh khác" - anh Nhuần vui vẻ cho hay.
Nhiều cái Tết Nguyên đán, những người thợ nuôi ong lấy mật như anh Nhuần cũng chỉ còn cách đón Xuân dưới tán lá, lùm cây nơi đất khách quê người.
Hơn 20 năm hành nghề nuôi ong lấy mật, là chừng ấy năm anh Nhuần phải ăn tết xa nhà. Bởi mùa hoa cà phê nở trùng vào dịp Tết Nguyên đán, không thể bỏ lấy mật để về thăm quê,... Nhọc nhằn như vậy, nhưng người nuôi ong không khéo, đôi khi còn bị lỗ âm vào vốn.
Đơn cử như anh Bùi Thanh Minh, năm nào đến mùa hoa nhãn, anh cũng di chuyển đàn ong từ xã Tân Thành, huyện Krông, tỉnh Đăk Nông mang ong ra dựng lều tạm ở xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên để khai thác mật hoa nhãn.
Theo anh Minh, chuyện những người nuôi ong kiểu "du mục" như thế này ra Bắc vào Nam đã là chuyện thường ngày. Có khi, họ cùng đàn ong mật di chuyển tới cả ngàn cây số.
Thông thường, cứ thời điểm gần giữa năm, khi miền Bắc hoa vải, hoa nhãn nở rộ, những chủ ong như anh Văn, anh Minh lại nhanh chóng di chuyển đàn ong từ Tây Nguyên ra Bắc Giang, hoặc Hưng Yên để "hút mật" hoa vải, hoa nhãn. Ăn bờ ngủ bụi cả tháng trời, sau đó họ lại đưa đàn ong ngược lên rừng để kịp mùa hoa trên núi cao.
Nhờ di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật của ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau.
Theo các chủ trang trại ong, nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi lên núi. Nhiều chủ ong lười di chuyển, nên phải cho ong ăn bột, đường nên chất lượng mật không cao.