Bên cạnh việc truy nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát từng hạng mục, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.
Báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), đến nay, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 lũy kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 19.400 tỷ đồng, tương đương 34,3% giá trị hợp đồng.
Đánh giá về việc giải ngân vốn đầu tư, đại diện Cục này cho biết, tiến độ thực hiện các dự án thành phần cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Tuy nhiên, vẫn có 3 dự án chậm tiến độ như dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sản lượng đạt 2,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5,95% so với kế hoạch ban đầu và 0,5% so với kế hoạch điều chỉnh do nhà thầu (đồng thời là nhà đầu tư) chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị thi công.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết sản lượng đến nay đạt 32,2% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 13,3% giá trị hợp đồng do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và nhà thầu chưa tích cực thi công móng, mặt đường.
Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng hiện đạt hơn 38,5% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng do tốc độ thi công đắp đất, đá nền đường thực tế chưa đáp ứng kế hoạch.
Để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam được thi công đúng kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà lại chi tiết từng dự án xem thời điểm hiện tại thực trạng thi công được bao nhiêu km được cấp phối đá dăm, thảm nhựa,…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể truy nguyên nhân dẫn tới chậm tiến và đặt câu hỏi: "Những dự án nào còn vướng mặt bằng và vướng ở vị trí nào (nếu có), giải pháp tháo gỡ ra sao? tình trạng đất đắp thiếu hay đủ? Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải nắm bắt thực trạng, tính toán xem số tháng ít ỏi con lại phải xử lý thế nào với các gói thầu chậm tiến độ. Bản chất của việc chậm là do đâu?.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu nguyên nhân chậm do thiếu đất thì việc điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu cũng không có ý nghĩa. Đồng thời, yêu cầu công tác chỉ đạo của Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư với nhà thầu tăng mũi thi công, thiết bị, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn chậm.
Trước đó, đánh giá kết quả giải ngân quý 1/2022 của Bộ GTVT, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư thông tin, tiến độ giải ngân đạt 17,2% - vượt mức bình quân chung của cả nước (đạt 13,9%).
Ông Huy cho rằng, giá trị giải ngân quý 1 chủ yếu tập trung ở thu hồi ứng trước kế hoạch, trả nợ BT, quyết toán, giải phóng mặt bằng và tạm ứng hợp đồng; giải ngân khối lượng xây lắp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân chung của Bộ GTVT là Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Sở Giao thông Vận tải Điện Biên, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.