Công trình tự phát chờ đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT xử lý ra sao?
Công trình tự phát chờ đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT xử lý ra sao?
Thế Anh
Thứ ba, ngày 22/03/2022 07:49 AM (GMT+7)
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các Ban QLDA bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bộ GTVT cho biết, trung tuần tháng 3/2022, dọc khu vực hướng tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa bàn Quảng Trị, xuất hiện hàng loạt công trình do người dân tự đầu tư xây dựng để chờ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua.
Tại khu vực xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, nhiều tường rào, phần cơi nới công trình phụ hay các căn nhà tạm mọc lên chủ yếu trên đất trồng cây lâu năm. Xây xong, các công trình này đều trong cảnh "cửa đóng then cài". Một số khu đất còn được người dân trồng thêm rất nhiều loại cây khá lớn vừa được vận chuyển về.
Ngoài ra, trên địa huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) cũng xuất hiện nhiều công trình xây với tốc độ rất nhanh trên khu vực đất mà người dân cho rằng đường cao tốc Bắc – Nam sẽ đi qua.
Quan sát của PV Dân Việt, tại xã Phú Thủy, xã Sơn Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có hàng trăm công trình xây dựng của người dân dang dở, không khí triển khai thi công đang được đẩy nhanh.
Thông tin từ đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT), trước đây, tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi đã diễn ra tại một số dự án giao thông lớn.
Khi phát hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA làm việc, đề nghị vào cuộc phối hợp xử lý. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, quá trình thực hiện thủ tục đền bù GPMB, công trình và tài sản trên đất phát sinh không đúng quy định sẽ không thực hiện kiểm đếm.
Tính riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam, khi công tác GPMB được giao cho địa phương thực hiện, Bộ GTVT đã lưu ý các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua cần kiểm đếm, xác định rõ nguồn gốc công trình nhà cửa, cây cối, tài sản trên đất.
Đến nay, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA sau khi quay chụp hướng tuyến bằng flycam phải hoàn thiện, gửi ngay cho các địa phương để cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố có cơ sở kiểm soát, giám sát hiệu quả phần mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam thời gian tới.
Ngày 18/3/2022, tại văn bản gửi các địa phương về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cũng đề nghị 12 tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các Ban QLDA bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác GPMB....
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có 12 dự án thành phần gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km) với tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng heo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Từ ngày 13 - 15/3/2022, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8km. Bộ GTVT sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày khởi công dự án, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.