Mô hình nuôi cá linh, kết hợp tôm càng xanh trong ruộng lúa hay thả cá lóc trong những tháng có nước về đã cho người dân có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Với người dân đầu nguồn của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, hằng năm lũ về không chỉ mang theo nguồn lợi thủy sản, mà còn mang phù sa và tháo rửa đồng ruộng. Năm nay nước về muộn và thấp hơn trung bình nhiều năm, cũng vì thế mà nhiều nông dân đầu nguồn mất đi thu nhập khi đánh bắt thủy sản tự nhiên từ sông Mê Kông đổ về.
Thế nhưng không ít người dân nơi đầu nguồn đã chủ động thích ứng, chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp với sự thay đổi của con nước. Ví như mô hình nuôi cá linh, kết hợp tôm càng xanh trong ruộng lúa hay thả cá lóc trong những tháng có nước về đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, điển hình có những hộ dân thu đến hàng tỷ đồng/năm.
Không còn cảnh tất bật giăng lưới, đặt lợp bắt cá, tôm theo lũ từ sông Mê Kông đổ về như trước đây, giờ đây trên những cánh đồng đã xuất hiện những mô hình nuôi cá linh kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa hay mô hình nuôi cá lóc đã cho thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm.
Tại vùng đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mô hình nuôi cá linh, kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa của anh Bùi Chí Nhân, khóm 2, xã An Bình B đang triển khai cho thu nhập lên tới hàng tỷ đồng ngay từ vụ đầu tiên.
Theo anh Bùi Chí Nhân, với hơn 10 ha đất trồng lúa, trước kia dù áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng lợi nhuận từ việc trồng 2 vụ lúa/năm cũng chỉ thu nhập vỏn vẹn 250 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Không chỉ vấn đề thu nhập, canh tác lúa liên tục trong thời gian dài, đất không được nghỉ sẽ dẫn tới bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu ngày một tăng nên không lời lãi bao nhiêu.
Từ những suy nghĩ làm sao để đất được nghỉ ngơi, tạo ra những sản phẩm lúa chất lượng, sinh kế theo hướng sinh thái, anh Bùi Chí Nhân đã được giới thiệu mô hình nuôi cá linh non trên đồng ruộng, kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực và trồng lúa mùa theo hướng sinh thái từ Phòng Kinh tế TP. Hồng Ngự bắt đầu tháng 6 năm nay.
Để thực hiện mô hình, anh Nhân thuê máy để đào ao lắng và bờ bao xung quanh mảnh đất. Sau đó, bơm nước vào ruộng và thả 5 triệu cá linh bột xuống nuôi. Trong thời gian này, anh Nhân mua 80 - 100kg tôm càng xanh thả bên ao lắng.
Sau khoảng 1 tháng, cá linh ăn những tạp chất trên đồng ruộng và to bằng đầu đũa thì anh Bùi Chí Nhân bắt đầu hạ nước trong ruộng để thu hoạch. Với 5 triệu cá bột ban đầu anh Nhân đã thu hoạch được hơn 2 tấn cá linh non, bán với giá 130.000 đồng/kg và thu về 260 triệu đồng. Như vậy, chỉ 1 tháng nuôi cá linh anh Nhân thu hoạch bằng 2 vụ lúa.
“Do đợt đầu nuôi cá linh chưa có kinh nghiệm nhiều nên độ thành công chỉ đạt khoảng 80%, đợt đầu thả 5 triệu bột thu hoạch được hơn 2 tấn, số còn lại dưới hầm nuôi tiếp không thu hoạch kịp. Hiện tại mô hình đang khá thành công nên bản thân có dự định phát triển thêm mô hình lớn và giới thiệu đến bà con, hộ dân xung quanh để cho mọi người tham quan, tham khảo để có thể làm theo”, anh Nhân chia sẻ.
Sau khi thu hoạch cá linh xong khoảng tháng 7, anh Bùi Chí Nhân bắt đầu sạ lúa mùa, giống lúa có đặc tính nước lên cao đến đâu thì thân lúa mọc cao đến đó. Khi cây lúa được một tháng tuổi, anh Nhân bắt tôm từ ao nuôi thả vào ruộng. Tôm ăn tạp chất từ ruộng, lớn lên mà không cần phải sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo ước tính của anh Nhân, sản lượng từ 5 - 6 tấn tôm càng xanh sinh thái. Nếu bán với giá 150.000 đồng/kg, thì cũng được từ 750 - 900 triệu đồng. Riêng vụ lúa mùa do trồng thử nghiệm 3 loại giống, để chọn ra giống tốt nhất cho những vụ sau nên tỷ lệ lúa sinh trưởng và phát triển chưa đạt.
“Lúa mùa này chịu được mực nước cao, nước cao lên tới đâu thì lúa dâng lên tới đó thành nên rất thích hợp để nuôi tôm. Trước khi làm mô hình này mình không có kinh nghiệm nên phải nhờ mấy anh bên nông nghiệp với bên phòng kinh tế hướng dẫn. Bước đầu đã có thành công”, anh Nhân cho biết.
Ông Dương Phú Xuân, Trưởng Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình nuôi cá linh non kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa là bước đi hoàn chỉnh các mô hình sinh kế mùa lũ cho người dân vùng đầu nguồn. Đây là vụ đầu tiên nên từ vụ sau địa phương sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo ông Dương Phú Xuân, nếu như mô hình nuôi cá linh non kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa của anh Bùi Chí Nhân với diện tích hơn 10 ha thực hiện một vòng tuần hoàn liên tục bắt đầu từ tháng 2 xuống giống lúa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh, đến tháng 5 thu hoạch, ước đạt 42 tấn lúa và 5 đến 6 tấn tôm. Nếu bán lúa với giá 10.000 đồng/kg và tôm khoảng từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, tổng nguồn thu trên 1,1 tỷ đồng.
Từ tháng 5 đến tháng 8, nuôi 2 vụ cá linh non, dự kiến thu hoạch khoảng 8 tấn cá, với giá trên 130.000 đồng/kg có thể thu 1 tỷ đồng. Sau đó gieo sạ lúa mùa và nuôi tôm càng xanh. Đến tháng 2 của năm sau, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn lúa mùa, và 5 - 6 tấn tôm càng xanh, nếu bán lúa với giá 16.000 đồng/kg, tôm 150.000 đồng/kg, thu trên 1 tỷ đồng. Như vậy, với diện tích trên 10ha người dân có thể thu hoạch cá linh, tôm, lúa trên 3 tỷ đồng.
Theo ông Dương Phú Xuân, Trưởng phòng kinh tế TP Hồng Ngự, nguồn lợi thủy sản tự nhiên hiện đã cạn kiệt. Vì vậy, những mô hình sinh kế mùa lũ giúp người dân đầu nguồn ổn định cuộc sống, cho thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự sẽ quy hoạch 480 ha đất, vận động người dân trồng 2 vụ lúa, sau đó mở bờ bao cho nước lũ vào thực hiện mô hình nuôi thủy sản.
“Thành phố Hồng Ngự cũng định hướng làm mô hình thủy sản cộng đồng sau khi kết thúc vụ lúa Hè Thu, thay vì bà con bỏ đất trống, đợi nước lên để vệ sinh đồng ruộng thì chủ động đưa nước vào để nguồn thủy sản theo nước vào đồng. Khi đó mình vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, vừa giúp bà con vệ sinh đồng ruộng lại có thêm nguồn thu nhập từ thủy sản, từ mô hình nuôi cá cộng đồng”, ông Xuân cho hay.
Những năm trở lại đây nước lũ về muộn và thấp, nhiều người dân ở vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã chuyển sinh kế thay vì trồng lúa 3 vụ như trước, việc chuyển sang nuôi thủy sản mùa nước nổi cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa vụ 3.
Anh Huỳnh Văn Kiểm, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự chia sẻ, với diện tích khoảng 10 ha, sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu xong gia đình anh được địa phương hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá lóc mùa nước. Khi có nước về gia đình bắt đầu thả cá ra ruộng để cá ăn những tạp chất từ đồng ruộng. Theo đánh giá của anh Kiểm, mô hình này lợi nhuận hơn trồng lúa từ 3 – 4 lần, không chỉ thu hoạch cá thả lóc mà mô hình này còn có nguồn thu đáng kể từ cá đồng vào.
“Khi nào thấy mực nước thích hợp mình mới thả cá ra, cá giống cũng tự tay mình ương. Thả cá lóc là chính còn mấy loại cá khác sẽ thả kèm, tạo nguồn thức ăn cho chá lóc. Mô hình này khi thu hoạch hiệu quả hơn trồng lúa, lời cả trăm triệu đồng”, anh Kiểm cho biết.
Với người dân ở đầu nguồn Hồng Ngự, Tân Hồng, hàng năm khi nước từ thượng nguồn đổ về, người dân ở đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đặt lợp, giăng lưới để đánh bắt thủy sản. Vài năm trở lại đây, lũ về muộn và thấp, người dân cũng phần nào mất đi sinh kế từ việc đánh bắt thủy sản. Tận dụng mùa nước về, các địa phương đầu nguồn đã triển khai đến các hộ dân mô hình phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những mô hình nuôi cá lóc, nuôi cá linh, nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa mùa đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân và điều quan trọng là thấy rõ được lợi ích tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để sống "thuận thiên" trước tác động của biến đổi khí hậu.