Clip: Bà Nguyễn Thị Nội, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng lung tung, trồng thập cẩm các loại rau ngắn ngày trên núi cho thu lãi đều đều.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Chiềng Hắc, vượt hơn 10km đường dốc quanh co, một bên là taluy dương thẳng đứng, còn bên kia là vực sâu đến vài chục mét, chúng tôi đến bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Lúc này khoảng 8 giờ sáng, cũng là khoảng thời gian người dân vùng đất này bắt đầu với công việc đồng áng. Người làm đất, người nhổ cỏ, người cắt rau… không khí làm việc tại cánh đồng diễn ra tất bật, bà con nông dân ai nấy đều khẩn trương với công việc của mình.
Đang tất bật thu hái những quả cà chua chín đỏ mọng nước, để chuẩn bị đủ số lượng hàng gửi cho khách đã đặt từ trước, bà Nguyễn Thị Nội, thành viên tổ sản xuất rau sạch bản Ta Niết kể: Tôi quê ở Thường Tín (Hà Nội), theo gia đình lên vùng kinh tế mới Mộc Châu từ năm 1978. Với kinh nghiệm trồng rau ngắn ngày như: Cải bắp, cải mèo, hành, cà chua... từ quê nhà, gia đình bà lại tiếp tục canh tác rau màu tại vùng kinh tế mới.
Những năm đầu về vùng kinh tế mới, gia đình bà Nội cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản, đều trồng các loại rau ngắn ngày theo cách truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy chất lượng và năng suất không cao, giá cả cũng thấp, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Không cam chịu thất bại, bà Nội đã đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn lớn tại xã Đông Sang, Mường Sang (Mộc Châu). Thấy người dân nơi đây trồng rau, phân luống khoa học và bài bản, bà đã về áp dụng vào chính vườn rau của mình. Nhờ vậy, mà bà ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn, sản phẩm cũng đạt năng suất cao hơn so với trước.
Không những vậy, bà Nội còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã và huyện tổ chức, rồi bà may mắn được Hội Nông dân giới thiệu tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, cũng như nguồn thu nhập.
"Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi thấy rõ lợi ích của mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, chất lượng. Vì vậy tôi đã đầu tư thêm vốn liếng làm hệ thống tưới nước tự động, để tiện lợi cho việc tưới tiêu", bà Nguyễn Thị Nội, bản Ta Niết nói.
Theo kinh nghiệm của bà Nội, trồng rau sạch theo hướng VietGAP cho thu hoạch chậm hơn so với rau trồng theo cách thông thường, phải mất hơn 2 tuần tới 1 tháng mới được thu hoạch. Thế nhưng đổi lại, trồng rau sạch gia đình bà không mất chi phí phân hóa học, thuốc trừ sâu, giá cả luôn được các thương lái thu mua đều đặn và ổn định.
"Trong thời gian chăm sóc vườn rau, tôi dùng nguồn nước sạch để tưới, dùng phân hữu cơ, phân hoai mục để bón cho rau. Đặc biệt là, tôi chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để bón. Hiện, trung bình mỗi kg rau màu gia đình tôi bán từ 20.000 - 45.000 đồng/kg tùy từng loại rau; cao gấp đôi so với rau thông thường.
Trồng rau theo hướng sạch, an toàn đã đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình tôi. Từ khi chuyển sang trồng rau theo hướng VietGAP, gia đình tôi đã thoát nghèo và có của ăn của để", bà Nguyễn Thị Nội, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV, gia đình bà Nội canh tác trên diện tích hơn 4.000m2, trồng các loại rau xà lách, dền đỏ, cải mèo, cà chua, các loại rau gia vị…, mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 30 - 35kg rau các loại, doanh thu gần gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi 400.000 – 600.000 đồng/ngày.