Ong ruồi là loài ong gì, vì sao mật ong ruồi lại bán đắt, nông dân Cà Mau bắt ong ruồi ở đâu?
Đây là loài côn trùng bé tí ti, làm tổ cỡ bàn tay, nông dân Cà Mau lội sình vắt mật bán tới 1 triệu/lít
Thứ sáu, ngày 15/04/2022 15:19 PM (GMT+7)
Vùng Cà Mau từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, cây lức mọc theo bờ vuông nhiều vô kể, và con ong ruồi cũng theo đó mà làm tổ, phát triển. Dẫu thế, tổ ong ruồi nhỏ, phải 5-7 tổ mới được 1 lít mật.
Mật ong nói chung rất tốt cho sức khoẻ, tuy vậy, theo kinh nghiệm người xưa, mật ong ruồi còn tốt hơn cả ong mật. Và hiện nay, những người sành dùng mật ong lại mách nhau, mật ong ruồi làm tổ trên cây lức còn đặc biệt tốt hơn nữa; bởi theo lý giải, cây lức chữa được nhiều chứng bệnh nên con ong làm tổ trên cây lức, hút mật hoa lức càng có công dụng nhiều hơn.
Vùng Cà Mau từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, cây lức mọc theo bờ vuông nhiều vô kể, và con ong ruồi cũng theo đó mà làm tổ, phát triển. Dẫu thế, tổ ong ruồi nhỏ, phải 5-7 tổ mới được 1 lít mật. Có lẽ vì vừa quý, vừa hiếm nên giá mật ong ruồi cao gấp đôi ong mật. Cũng vì vậy mà xuất hiện nghề săn mật ong ruồi.
Khi ông mặt trời còn chưa tỉnh hẳn ngủ, nhóm săn mật ong ruồi của Cao Tấn Ðạt (ở ấp Cái Rô, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã sẵn sàng tư thế “hành quân”.
Mỗi người mặc 2 áo cho đỡ nắng, tay xách theo cái xô, con dao hoặc cây kéo, chân đi giày bata, gói thuốc lá sẵn trong túi. Ba người đi trên 2 xe gắn máy.
Ðạt giải thích chuyện đi xe: Trước đây ít người đi lấy mật thì lội bộ vòng vòng được, nhưng giờ chỗ nào cũng có người làm nghề này nên mỗi ngày phải rong ruổi hàng mấy chục cây số, tìm kiếm rất nhiều địa điểm mới được vài lít mật. Ði bộ không “ăn” nổi.
Rồi Ðạt bảo: “Hôm nay mình đi địa bàn xã Ðịnh Bình”.
Chúng tôi lên xe và bám theo nhóm được chừng 5-6 cây số, Ðạt dừng lại, nói: “Xuống điểm này”.
Ðó là khoảng đất trống với um tùm cỏ dại và cây lức. Sâu bên trong là các vuông tôm, cũng chằng chịt những bờ lức dọc ngang.
Ðạt dặn: “Mấy chị cứ từ từ vào, chừng nào có tụi em cho hay”, rồi cả nhóm nhanh chóng tản ra, mỗi người mỗi chỗ.
Khi chúng tôi còn lựng khựng bước chân thì đã nghe Ðạt reo lên: “Có rồi!” và đợi chúng tôi tới. Ðạt nhẹ tay vạch mớ cỏ tạp bám bên ngoài một bụi lức, lộ ra tổ ong độ lớn hơn bàn tay, rồi đốt vội điếu thuốc ngậm lên miệng, áp mặt vào nhả khói. Chúng tôi vừa quan sát, vừa thủ thế chạy, sợ bị ong đánh. Nhưng không, đàn ong gặp khói chỉ bay tản đi.
Loáng cái, Ðạt đã chặt phăng 2 đầu kèo, cầm tổ ong ra. Ðạt gõ dao vào đầu kèo cho mớ ong còn lại bay hết và dùng dao rọc bỏ phần tàng, lấy phần có mật, độ bằng chai nước suối nhỏ, cắt ngắn lại 2 đầu kèo rồi đặt tổ ong vào thùng.
Ðạt giải thích, giờ người ta thích ong làm tổ trên cây lức, phải cắt cành vậy để họ tận mắt thấy, mới tin.
“Tổ này chắc được gần xị mật”, Ðạt nói. “Vậy là lớn chưa?”, tôi hỏi. “Cũng coi là lớn. Thỉnh thoảng cũng gặp tổ được gần 1 lít mật, nhưng hiếm”.
Cũng theo lời Ðạt, ong ruồi thường làm tổ ở các bụi cây rậm thấp. Xứ khác không biết sao, nhưng ở Cà Mau thường phát hiện tổ ong trên các bụi lức mọc theo bờ vuông, mảnh đất hoang. Có lẽ vì bụi lức kín, kèo êm và thơm nên ong thích làm tổ.
“Ðằng này 1 tổ nè”, bỗng nghe gần đó tiếng anh Nguyễn Văn Lâm. Chúng tôi nhanh chóng vẹt cỏ, càn tới.
Tổ ong này nhỏ hơn tổ của Ðạt một chút. Cũng thao tác lẹ làng, chuyên nghiệp, loáng cái anh Lâm lấy được tổ ra. Khác với Ðạt, anh Lâm dùng kéo cắt cành cây cắt kèo ong…
Mở màn được 2 tổ, làm chúng tôi xuýt xoa “thấy mắc ham”. Nhưng quần kiếm một chập nữa, đi tít ngoài bờ vuông, cũng chỉ thêm được 1 tổ nhỏ.
Ðạt bảo, sau khi bị lấy tổ, đàn ong sẽ làm tổ mới, thường cách đó vài công đất. Khoảng 7-10 ngày sau là tổ đã có mật. Nắm được đặc điểm này, cánh săn mật hay trở lại nơi cũ. Tuy vậy, do giờ nhiều người săn mật nên không phải cứ trở lại là còn.
Rời điểm thứ nhất, chúng tôi theo nhóm chạy ngoằn ngoèo độ 4-5 cây số đến điểm thứ hai. Ðiểm này phải càn qua đám sậy lút đầu người, cộng thêm nhiều cỏ ống, cỏ tạp đan xen chằng chịt mới ra được bờ vuông.
Sau một hồi tìm kiếm ở mấy bờ ngang, bờ dọc không có, nhóm “khuyến cáo” chúng tôi ở bên này, và họ lội xuống kênh qua bờ bên kia. Nhưng kiếm xà quần một lúc cũng chỉ được thêm 1 tổ.
Ðiểm thứ 3 là khu đất trũng, khá hoang vắng, sau một cơ quan quân sự, với nhiều loại cây nước mặn cao thấp đan chen. Rất thản nhiên, cả nhóm phom phom xuống mương, nước sâu gần tới ngực, lội qua đám cây mắm, ô rô, tiến sâu khuất dạng bên trong. Một lúc sau, anh Lâm xách về được 1 tổ, còn Ðạt được tới 2 tổ, làm chúng tôi tròn mắt thán phục.
Ðạt nói: “Tại hôm nay có mấy chị, tụi này lựa những điểm dễ, đã đi rồi nên thuộc đường, chứ bình thường đi xa hơn và lặn lội những chỗ còn khó hơn”.
Với những điểm quen thì càn ào ào, nhưng chỗ lạ, lại ở nơi hoang vắng, muốn “khám phá”, chân cũng lưỡng lự. Ðã vậy, lắm lúc lấy hết can đảm “xâm nhập” địa bàn, nhưng lại ra tay không. Làm nghề săn mật ong ruồi tự nhiên này, theo Ðạt, phải kiên trì; chịu khó đi nhiều nơi, không ngại vất vả thì mới mong thu được thành quả. Chưa kể, chuyện bị ong vò vẽ, ong lỗ, ong nghệ... đánh sưng vù mặt mày không phải hiếm. Còn sâu lức chạm ngứa muốn lột da là chuyện thường xuyên, thỉnh thoảng còn gặp rắn dữ... Ðó cũng là những lý do họ thường đi thành nhóm.
“Tân Thành, Hoà Tân, Hoà Thành, Ðịnh Bình, An Xuyên, kể cả Ðầm Dơi, Cái Nước; cả Giá Rai, Hộ Phòng của Bạc Liêu... tụi tôi cũng tới hết”, anh Lâm nói.
Cái nắng tháng Tư cháy da cháy thịt, cả nhóm vào quán bên đường uống ly nước. Anh Lâm bảo: "Tụi tôi sống nhờ mùa này, nên có nắng cỡ nào cũng phải đi. Càng nắng, ong càng bay ra hút mật, mình dễ phát hiện tổ".
Ong ruồi đặc biệt chỉ có vào mùa hạn, độ từ tháng 9, tháng 10 âm lịch (khi ngơi mưa), kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau (khi mùa mưa tới). Ðây cũng là mùa hoa lức trổ rộ, ong tha hồ hút mật. Tuy vậy, theo cánh thợ săn, ngoài mật hoa lức chủ đạo, con ong còn hút mật rất nhiều loại hoa khác, và hầu như loại nào cũng tốt cho người dùng.
Mỗi ngày nhóm "xuất hành" vào sáng sớm, sau khi đã ăn uống thật no. Ði đến 1-2 giờ chiều là về, với thành quả mỗi người từ 1-2 lít mật. Thường họ ghé bán mật cho mấy mối dặn. Không ai mua thì mang về để nhà, rồi cũng có người mua. Giá mật được bán dao động từ 800.000 đồng tới 1 triệu đồng/lít.
“Nghe nói, có người pha nước đường đổ vào thùng có sẵn tổ ong, đem bán?”, nhỏ em hỏi. Ðạt bày tỏ: “Với tụi tôi, đây là nghề kiếm cơm cho gia đình. Lấy được bao nhiêu, bán bao nhiêu. Gian dối, mua lần một, lần hai người ta quay lưng thì bán cho ai? Với lại, lương tâm người làm nghề không cho phép...”.
Ðạt theo nghề săn mật ong ruồi từ năm 2002, tính ra gần 19 năm. Mỗi năm thường thu hoạch từ 250-300 lít mật. Nhà có ít đất, công việc này cũng giúp gia đình Ðạt xoay xở trong ngoài khá tốt. Cứ vào mùa mật, trước khi hành nghề, Ðạt đều làm mâm cơm cúng chiến sĩ, vái van các chú, các anh phù hộ đi đường rừng rú thuận lợi, bình an, kiếm được nhiều mật. Vậy là yên tâm xuất hành.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm cũng hơn 20 năm hành nghề. Ðiều thú vị là, ba anh trước đây cũng có “nghề tay trái” là săn mật ong ruồi theo các bờ sông vùng mặn, nên anh được truyền thêm kinh nghiệm. Dù nhà có vuông, cuộc sống tương đối, nhưng hễ đến mùa mật là những bờ lức vuông tôm, những mảnh đất hoang, những khu rừng rậm… cứ như réo gọi anh.
Ði cùng nhóm còn một anh chàng trông mảnh khảnh tên Ðiền. Ðiền bảo mới tập tành làm nghề mấy tháng nay, nên ngại chia sẻ. Trước Ðiền làm hồ, nhưng sức khoẻ kém, công việc lại nặng nhọc nên tranh thủ mùa hạn theo “thụ giáo” nghề này từ các “sư phụ”. “Chịu khó, ngày kiếm được nửa lít mật cũng gấp đôi đi làm hồ”, Ðiền bộc bạch. Tuy vậy, mới vô nghề chưa bao lâu thì Ðiền đụng phải tổ ong vò vẽ, bị chúng đánh cho một trận. Mấy hôm trước lại bị trật chân...
Mới hay, nghề nào kiếm được đồng tiền cũng không phải dễ.
Rời quán nước, chúng tôi đi theo nhóm thợ săn thêm 2 điểm nữa, cũng được thêm mấy tổ. Thấy “lưng lưng vốn” chúng tôi bảo nhau về trước - Ði theo hoài sợ cản bước, sợ ngày đó mấy ông thợ thất thu.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ, cả nhóm cộng lại được khoảng chục tổ ong ruồi, họ ước chừng hơn 1 lít mật. Chúng tôi từ giã ra về với niềm vui có buổi trải nghiệm đầy thú vị. Mấy ông thợ cũng rất vui, vì có người hiểu, thông cảm được phần nào cái nghề âm thầm mà khá nhọc nhằn, vất vả này.
“Xứ Cà Mau mình, tính ra trữ lượng mật ong ruồi không phải nhỏ. Ðây cũng là loại đặc sản. Nên quan tâm phát triển nguồn lợi này, vừa tạo điều kiện tốt cho người làm nghề, vừa xây dựng mật ong ruồi thành thương hiệu cho Cà Mau”, ý kiến này của nhỏ em nghe ra cũng có lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.