25 năm "trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư
Năm 1997, Bình Dương được tách ra khỏi tỉnh Sông Bé và chính thức thành lập với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát với 77 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên sau khi tái lập là 2.717 km2, dân số 679.044 người.
Năm 1999, Bình Dương có thêm 3 huyện gồm Dĩ An, Dầu Tiếng, Phú Giáo và đến nay, sau nhiều lần điều được điều chỉnh về địa giới, đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Bình Dương có đã có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 5 thị trấn).
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bình Dương tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo ổn định và phát triển nhanh.
Với phương châm "trải chiếu hoa" mời gọi nhà đầu tư cùng với các khu công nghiệp được thành lập, tỉnh đã thu hút được nhiều vốn đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp và nông thôn.
Bên cạnh đó, Bình Dương luôn đặt chiến lược ngoại giao chung và bình đẳng giữa các địa phương của Chính phủ.
Bình Dương đã chủ động, sáng tạo và định hình những nét ngoại giao riêng, phản ánh trong đó là tính nhân văn, sự mộc mạc, khiêm cung, hòa lẫn với phong cách hào sảng của người Bình Dương.
Trong công tác ngoại giao, Bình Dương luôn lấy sự chân thành làm đầu, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thuận lợi một cách trực diện vào những vấn đề cốt lõi để tạo ra tính hiệu quả cao nhất.
Sự chân thành đồng nhất đó một cách tự nhiên biến mỗi người dân Bình Dương trở thành một nhà ngoại giao của tỉnh, mỗi doanh nghiệp và hệ thống tiếp thị của họ trở thành đại diện của tỉnh, cùng đồng hành với chính quyền để tối ưu hóa các mối liên kết, thu hút nguồn lực về với Bình Dương.
Lựa chọn hướng đi thông minh
25 năm qua, Bình Dương luôn cố gắng chủ động nắm bắt xu thế, tỉnh táo lựa chọn những hướng đi thông minh, tham gia kết nối sâu rộng vào cộng đồng quốc tế ở quy mô cấp địa phương, liên thành phố. Việc lựa chọn các địa phương và đối tác đồng hành đảm bảo phù hợp với nền tảng ngoại giao chung của quốc gia là rất quan trọng.
Việc chính quyền Bình Dương lựa chọn đúng đắn, đa phương hóa, đa dạng hóa đóng vài trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt và định hướng các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước.
Sự mở lối của chính quyền tỉnh là điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp có những hướng đi đúng đắn, tìm kiếm được đối tác phù hợp với Bình Dương cũng như tổng thể quốc gia.
Xuyên suốt quá trình phát triển, Bình Dương luôn lắng nghe và gắn kết với các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia. Lãnh đạo và các doanh nghiệp Bình Dương sẵn sàng tham gia các đoàn ngoại giao cấp chính phủ để tìm kiếm cơ hội cho Bình Dương trong cơ hội chung của cả nước.
Việc bám sát công tác ngoại giao của Chính phủ đã giúp Bình Dương tận dụng được nhiều cơ hội, nổi bật như Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).
Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Singapore, qua đó Bình Dương kết nối doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của tỉnh với Sempcorp, đứng sau là quỹ đầu tư Temasek có nguồn gốc nhà nước Singapore.
Việc hình thành liên doanh này đã giúp Bình Dương học hỏi được mô hình phát triển công nghiệp bền vững, dựa trên hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ nhà đầu tư, người lao động và người dân, tạo ra mô hình chuẩn và là bước ngoặt lớn trong việc chuẩn hóa mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh 25 năm qua.
Thông qua các kết nối của Chính phủ, Bộ ngoại giao, Bình Dương đã chủ động xây dựng, kết nối và gắn kết khăng khít với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán các nước, làm tiền đề cho các doanh nghiệp của tỉnh khai thác và kết nối vào các thị trường tiềm năng trên toàn cầu, đây là những đòn bẩy quan trọng giúp Bình Dương phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài FDI trong 25 năm qua.
Những mối liên kết này đã mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế, như việc Bình Dương đã kết nghĩa với Deajeon, Hàn Quốc; Yamaguchi, Nhật Bản; Eindhoven, Hà Lan… qua đó hình thành nhiều dự án hiệu quả, ý nghĩa như đề án thành phố thông minh Bình Dương, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp Khoa khọc và công nghệ.
Việc xây dựng các mối ngoại giao kết nghĩa giúp Bình Dương học hỏi được nhiều bài học từ các thành phố lớn trên thế giới, từ đó đúc kết ra những mô hình phát triển phù hợp với Bình Dương.
Không chỉ trong lĩnh vực thu hút đầu tư, mà còn tổng thể nhiều mặt của xã hội như quy hoạch đô thị giao thông, phát triển hạ tầng logistics, phát triển đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ,… đóng góp vào một hình ảnh của Bình Dương hiện tại và tương lai, với việc thay đổi động lực phát triển sang một thế hệ mới, phát triển dựa trên mở rộng kết nối, đổi mới sáng tạo, và khoa học công nghệ.
Những chiến lược thông minh của Bình Dương, trong đó có "chiến lược ngoại giao liên thành phố" đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận, cụ thể 4 năm liền Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF vinh danh trong TOP 21 các thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu, đặc biệt năm 2021, Bình Dương được vinh danh trong TOP 7 trên hơn 200 thành phố trên thế giới.