Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu cá tra quý I/2022 tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cá tra đang tăng trưởng dương từ hai tới ba con số.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra có nhiều điều mới mẻ.
Sau khi gặp khó do chính sách "zero Covid" của Trung Quốc, nhiều lô hàng cá tra luôn trong tình trạng lo lắng bị trả lại nếu nhiễm virus corona thì nay giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng trở lại và dự báo còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý tới.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ cũng tăng trưởng tốt. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%.
Hiện nay, tình trạng lạm phát kỷ lục đang diễn ra ở Mỹ do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine, giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh nên sắp tới là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này.
Không chỉ ở Mỹ, khủng hoảng lương thực thực phẩm cũng đang diễn ra ở Châu Âu, giá cả tăng vọt do thời gian qua chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu bùng nổ, thị trường năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến thị trường lương thực toàn cầu đang “nóng”.
Lần đầu sau nhiều năm giảm sút, xuất khẩu cá tra sang EU tăng 86,2% so với quý 1/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 46,7 triệu USD.
VASEP dự báo, trong quý II/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng dương.
Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Theo VASEP, do thị trường xuất khẩu tốt, có nhiều triển vọng nên cổ phiếu của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian qua đều một màu xanh.
Trong khi chỉ số Vn-Index nhiều mã của một số lĩnh vực, ngành hàng khác đều biến động chao đảo thì cổ phiếu nhóm hàng thủy sản vẫn đang hấp dẫn.
Trong đó, hàng loạt mã chứng khoán ngành thuỷ sản vẫn bật tăng và đầy thu hút như: VHC, ANV, ABT, IDI, ACL...
Không chỉ cổ phiếu ngành thủy sản tăng, xuất khẩu thuận lợi cũng khiến giá cá tra tăng vọt.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Tháp - địa phương có sản lượng nuôi trồng và thu hoạch cá tra lớn nhất cả nước, thời điểm giữa tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu từ 31.000 – 32.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước) chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 24.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi cao.
Giá cá tra tăng cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra thế giới khả quan, đơn hàng dồi dào kéo giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu tăng lên mức 3,4 USD/kg, tăng 0,25 USD/kg so với tháng 1/2022.