Mỹ - Trung Quốc tăng mua một loài cá, "kho báu" dưới nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thu tỷ đô
Mỹ - Trung Quốc tăng mua một loài cá, "kho báu" dưới nước ở Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn thu tỷ đô
Bình Minh
Thứ năm, ngày 24/03/2022 13:40 PM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, với mức giá dao động khoảng 29.500-30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, đem đến sự phấn khởi, vui mừng cho người nuôi.
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, với mức giá dao động khoảng 29.500-30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, đem đến sự phấn khởi, vui mừng cho người nuôi.
Là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng, An Giang hiện có trên 1.487ha thả nuôi cá tra. Sản lượng cá tra thu hoạch từ đầu năm 2022 đến nay tăng đáng kể do giá bán tăng và nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng. Điều này tạo sự phấn khởi rất lớn cho người nuôi cá tra.
Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Tuấn, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì giá cá tra đang được thu mua ở mức rất cao, từ 28.500-30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.
Với 500 tấn cá tra nằm trong kích cỡ (size) xuất khẩu sắp thu hoạch, gia đình ông Tuấn xem như “hái lộc” đầu năm.
Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Tâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang như “nhặt được vàng” khi gần 700 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán của gia đình ông được nhiều công ty hỏi mua và đặt hàng vào cuối tháng này với giá trên 30.000 đồng/kg (loại 1kg/con), tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các hộ nuôi và doanh nghiệp cá tra, sở dĩ giá cá tra hiện nay tăng mạnh là do sau dịch Covid-19, nhiều hộ “treo ao,” nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt.
So với cùng kỳ 2021, giá cá tra chỉ có 19.000-20.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu hiện nay đã tăng mạnh, người nuôi lãi lớn.
Không chỉ giá cá tra thương phẩm tăng mà giá bán cá tra giống cũng tăng. Hiện cá giống size 40 con/kg có giá bán gần 50.000 đồng/kg và khoảng 60.000 đồng/kg cá giống (size 30 con/kg), tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2021 cũng đem lại nhiều phấn khởi cho người nuôi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh ở hầu hết thị trường lớn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 385 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số như Mỹ đạt 94,6 triệu USD, tăng 120%; Trung Quốc - Hồng Kông đạt 86 triệu USD, tăng 240% và khối thị trường CPTPP đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4%; EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm 2021. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia khuyến cáo nông dân không ồ ạt thả nuôi
Trước cơn sốt cá tra, nhiều nông dân vay vốn, ồ ạt thả nuôi, chấp nhận giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo nông dân cẩn trọng, có chiến lược thả nuôi phù hợp với cung - cầu, nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái diễn.
Ông Quốc cho rằng, giá cá tra thương phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn, giá cá sẽ sớm bình ổn trở lại. Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không phải lo lắng về đầu ra.
Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá.
Đồng thời, các địa phương cần có sự kiểm soát chặt diện tích ao nuôi, sản lượng nuôi…tránh tình trạng cung vượt cầu; nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái lập.
"Hiệp hội đã khuyến cáo, nếu ai muốn nuôi thì nên liên kết với doanh nghiệp, còn nếu nuôi tự phát thì sau này sẽ rất khó khăn. Bây giờ tuy rằng thị trường xuất khẩu tốt nhưng cần phải xúc tiến việc chế biến sâu, để giá trị hàng, để tăng giá trị xuất khẩu", ông Quốc nói.
Ngoài ra, theo ông Quốc, cần xây dựng các hệ thống phân phối, nghiên cứu theo ẩm thực của từng vùng miền để đẩy mạnh đưa cá tra vào tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cá tra năm 2022 hồi tháng 2, đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định, cước phí tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm, thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển trên thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn…
Theo Bộ NNPTNT, năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đúc Tiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là nâng cao chất lượng giống, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, tiếp tục triển khai đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), năm 2021, ngành cá tra Việt Nam đạt sản lượng 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%.
Thị trường tiêu thụ cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc 31%, Mỹ 23%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 13% và EU 6,6%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.