Được ông Tôn Trung Sơn, Giám đốc Hợp tác xã củ năng Pró (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) dẫn đường đến thăm những cánh đồng trồng củ năng tại địa phương.
Phóng viên báo điện tử DANVIET.VN nhận thấy sự vất vả của người dân khi thu hoạch củ năng. Những ngọn cây đã lụi tàn trên mặt ruộng nhưng bên dưới lại là những củ năng có giá trị kinh tế cao, được xem là cây thoát nghèo, cây khá giả của nông dân là đồng bào dân tộc Churu ở đây.
Củ năng giống như những củ hành tây được người dân moi lên từ lớp bùn đen. Chỉ sau vài động tác cơ bản ở dòng suối bên cạnh đã giúp cho lớp bùn được rửa trôi, củ năng sạch sẽ được đóng bao đưa về nhà để bán cho thương lái.
Củ năng là loại củ thủy sinh họ cói mọc ở đầm lầy, ao, hồ, ruộng lúa và hồ cạn. Củ năng có hình dáng giống như củ hành tây nhưng màu nâu đậm, ruột trắng. Loại củ này rất quen thuộc với người Việt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải rượu, ngừa bệnh tim mạch và kháng khuẩn.
Ông Bờ Nah Ria Ha Điu (dân tộc người Churu, 61 tuổi, thôn Bró Ngó, xã Pró) chia sẻ: "Gia đình tôi trồng 5.000m2 củ năng. Trung bình, cây củ năng kể từ khi trồng đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng 6 tháng. Chính vì vậy, người dân ở đây cứ đến tháng 2,3,4 là sẽ tiến hành trồng củ năng. Nhà nào trồng sớm thì sẽ thu hoạch sớm.
Củ năng có giá trị cao gấp khoảng 4 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, cứ sau 1 vụ trồng lúa, gia đình tôi lại xới ruộng, bón phân chuồng rồi trồng củ năng để tăng thêm thu nhập".
Ông Ha Điu cũng cho biết, đối với lúa, 1.000m2 trồng lúa mỗi mùa chỉ thu nhập được khoảng 5 triệu đồng. Thế nhưng, 1.000m2 trồng củ năng thì có thể thu hoạch được 3 tấn củ, những nhà chăm tốt có thể lên đến 4,5 tấn. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, người dân trồng củ năng có thể lãi ròng 150-200 triệu đồng/ha.
Hiện nay, củ năng tươi được trồng tại xã Pró chủ yếu được tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Năm 2020, người dân tại đây đã bán được cho thương lái củ năng tươi với giá 15-18 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 20 ngàn đồng.
Ông Tôn Trung Sơn cho biết, sản phẩm củ năng tươi của địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019. Năm 2020 thì sản phẩm cũng đạt chứng nhận VietGAP, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Giám đốc Hợp tác xã củ năng Pró chia sẻ với phóng viên, với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng thì đến nay, Đơn Dương đã có khoảng 300ha củ năng.
Diện tích trên hiện đang được hợp tác xã tổ chức trồng củ năng hữu cơ để nâng cao giá trị cho loại cây đặc sản này. Củ năng là cây trồng ít sâu bệnh, phát triển trong mạnh môi trường tự nhiên nên ít phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật như rau, hoa…
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, cây củ năng ít nhiễm sâu bệnh hại nên trong quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Vì vậy, trong thời gian tới, để duy trì diện tích hiện có và phát triển sản phẩm củ năng của tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng vùng trồng củ năng hữu cơ. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu củ năng Đơn Dương, khuyến khích các đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm củ năng.
Hiện nay, người dân huyện Đơn Dương thu hoạch củ năng sau đó bán cho các vựa tại địa bàn xã Pró và huyện Đức Trọng thông qua liên kết sản xuất với Hợp tác xác củ Năng Pró. Từ đó vận chuyển củ năng đặc sản đến TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trung bình, mỗi năm, người dân Đơn Dương thu hoạch được khoảng 9.000 tấn củ năng.
Tuy nhiên, theo ông Châu, hiện nay địa phương chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ củ năng. Người dân chủ yếu thu gom bán củ năng tươi hoặc gọt vỏ, hút chân không, bảo quản lạnh để cung cấp cho thị trường tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang có định hướng nghiên cứu chế biến sản phẩm bột củ năng để gia tăng giá trị sản phẩm.