Với 37 hộ dân nhận tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá, ngân sách nhà nước đã phải chi ra 1,85 tỷ đồng và kết quả là người dân mang về... bỏ xó, gây lãng phí tiền ngân sách. Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, đại diện Phòng NNPTNT huyện Gia Bình cho biết, nếu phát hiện có lãng phí, sử dụng không đúng mục đích, huyện sẽ tiến hành thoái thu lại tiền cho ngân sách nhà nước.
Tem thông minh nhưng thông tin... rỗng
Giá trị hợp đồng gói phần mềm hệ thống truy xuất thông minh – 12.500 dây lạt thít có in mã QR-code có giá trị 50 triệu đồng, nhưng phía công ty "chia chác" cho nông dân ở thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh 12 triệu đồng tiền mặt. Vậy, tem truy xuất thông minh có chất lượng, dữ liệu thông tin gì?
Như Dân Việt thông tin, thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp rất cao, đơn cử Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu để mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc - mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi nhận tem truy xuất thông minh với trị giá hợp đồng 50 triệu đồng, nông dân Bắc Ninh được "chia chác" 12 triệu đồng tiền mặt. Với việc "chia chác" cho nông dân 12 triệu đồng tiền mặt, vậy chất lượng và dữ liệu thông tin của gói phần mềm hệ thống truy xuất thông minh – 12.500 dây lạt thít có in mã QR-code trị giá 50 triệu đồng sẽ như thế nào?
Khi dùng điện thoại quét tem truy xuất thông minh do Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life (có trị sở tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) cung cấp cho các hộ dân, dữ liệu thông tin đưa ra 5 lựa chọn ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật Bản) để người tiêu dùng có thể xem 4 thông tin chính về: Sản phẩm, xuất xứ, nhật ký và bài viết. Số lượt quét tem truy xuất thông minh ở mức thấp.
Tuy nhiên, khi bấm lựa chọn vào ngôn ngữ Tiếng Anh, ngoài một số thông tin phần giới thiệu được thể hiện bằng tiếng Anh, còn hầu hết thông tin đưa bằng tiếng Việt. Khi bấm lựa chọn các ngôn ngữ khác cũng đều cho kết quả tương tự.
Đặc biệt, khi quét tem truy xuất thông minh của gia đình ông Lê Đình Lực ở thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trong phần "Nhật ký", từ 6/12/2021 đến nay hầu như không cập nhật thông tin về quá trình sản xuất. Với tem truy xuất thông minh của các hộ dân khác cũng tương tự, từ tháng 12/2021 đến nay hầu như không có thông tin cập nhật về quá trình sản xuất.
Phải chăng, sau thời điểm Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã tiến hành nghiệm thu, quyết toán để hỗ trợ cho các hộ dân, sau đó các hộ dân rút tiền mặt trả cho Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life thì việc cập nhật thông tin về quá trình sản xuất bị dừng lại? Công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước có được thực hiện, hay nghiệm thu, giải ngân xong là kết thúc?
Trong khi đó, theo quy định về điều kiện hỗ trợ của Nghị định 147/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh, tem truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật như: Truy xuất được các thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất, hình ảnh, quy trình, địa điểm sản xuất; Tem được mã hóa cá biệt và có chức năng chống hàng giả; Quản lý theo dõi được số lượng sản phẩm và quá trình bán hàng; Có bản đồ định vị đường đi của sản phẩm, hỗ trợ người tiêu dùng xác định được nguồn gốc, địa điểm cung cấp hàng hóa.
Tem không đạt tiêu chuẩn, vì sao Phòng Nông nghiệp huyện vẫn nghiệm thu?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Công Quyện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình cho biết, đây là năm lần đầu tiên huyện triển khai hỗ trợ tem truy xuất cho các hộ dân nuôi cá ở xã Bình Dương với mong muốn đưa vùng nuôi cá này "cất cánh", từng bước đưa sản phẩm cá tiêu thụ vào các siêu thị, sàn thương mại và thậm chí đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi các nước.
Liên quan tới các điều kiện hỗ trợ của Nghị định 147/2018/NQ-HĐND, ông Quyện cho rằng, tem truy xuất thông minh công ty CP Công nghệ và Truyền thông Smart Life cung cấp cho các hộ dân cơ bản sẽ chuẩn. "Về mặt quy trình làm tương đối, chỉ có điều phù hợp với quy định hay không thì có cái mình phải châm trước, có cái phải tạo điều kiện cho người dân" – ông Quyện nói.
Khi PV hỏi, vì sao tem truy xuất không đạt kết quả, không có thông tin, mà Phòng NNPTNT huyện vẫn nghiệm thu để thanh toán, rút tiền nhà nước, ông Quyện giải thích: "Biên bản nghiệm thu thông thường làm cuối năm. Cuối năm có thể không phải là thời điểm thu hoạch cá. Thu hoạch cá có hai thời điểm chính, đó là cuối Thu, đầu Đông, hai là chớm vào hè, một số hộ thu hoạch để thả cá mới".
Cũng theo ông Quyện, việc nghiêm thu thực hiện chủ yếu là kiểm tra trên hồ sơ là chính, còn kiểm tra thực tế Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ mời đại diện UBND xã, MTTQ xã, cán bộ tài chính xã đi kiểm tra. Khi thấy đạt yêu cầu thì ký biên bản nghiệm thu.
"Nói chung, chưa có hộ nào sử dụng" – ông Trần Xuân Diến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh khẳng định và đơn cử có ao đầm xuất bán 30 tấn cá trong 5-6 hôm Tết là xong, có dán tem truy xuất thông minh cũng không thể làm kịp.
"Anh em nói thôi cứ nghiệm thu để người dân được hưởng lợi. Còn nếu người dân hưởng lợi mà các anh không thực hiện, có thể các cơ quan quản lý người ta yêu cầu thoái thu bình thường" – ông Quyện khẳng định.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, hầu hết các hộ dân sau khi nhận tem đều chưa sử dụng tới do bán cá chủ yếu cho tư thương, họ không cần đến tem truy xuất thông minh. Bởi, nếu kẹp, dán tem truy xuất thông minh vào thì các hộ dân và thương lái phải mất thời gian phân loại cá, rồi kẹp tem truy xuất vào.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật và làm rõ thông tin liên quan tới vụ việc.