"Nếu không giải quyết được cho khách hàng thì PTI sẽ rất mang tiếng"
Trước những bức xúc của cộng tác viên bán bảo hiểm và khách hàng đã mua Bảo hiểm Vững tâm an plus của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI, chiều 22/4 Phóng viên Dân Việt đã trao đổi với đại diện Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tây Bắc (PTI Tây Bắc) thuộc PTI.
PTI Tây Bắc là đơn vị bị nhiều cộng tác viên bán bảo hiểm phản ánh trả lời chưa thỏa đáng về việc có hay không chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đã mua, hoàn thiện hồ sơ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc PTI Tây Bắc có trụ sở đặt tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Tất cả hồ sơ của người mua đều nằm ở Tổng Công ty chứ chúng tôi không được duyệt".
Theo ông Hùng, hiện mỗi ngày có khoảng 3.000 hồ sơ gửi về Tổng công ty để giải quyết. Ở PTI Tây Bắc có bao nhiêu hồ sơ cũng không rõ, "vì người bán bảo hiểm gửi hồ sơ qua hệ thống điện tử. Hiện nay ở Tổng công ty có khoảng 100 người duyệt nhưng không kịp".
"Hiện nay có người sau khi hoàn thiện hồ sơ một tuần là được bồi thường, có người cả tháng chưa được, dần cũng trả cho mọi người hết, nên Tổng công ty đang sắp xếp xem ai gửi lên đủ giấy tờ để giải quyết, kể cả việc không đủ giấy tờ thì Tổng Công ty gửi về PTI Tây Bắc rồi đơn vị sẽ thông báo cho khách hàng" - ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, hiện nay khách hàng phản ánh đến công ty rất nhiều, chủ yếu ở tỉnh Lào Cai, Nam Định.
Trước sự nghi ngờ của khách hàng và cộng tác viên bán hàng về việc phía PTI không có khả năng chi trả bồi thường, tìm cách trốn tránh, kéo dài thời gian chi trả và có các văn bản "đòi hỏi" giấy tờ là bản gốc nhằm làm khó người mua, Giám đốc PTI Tây Bắc cho rằng: "Nếu có người nộp tiền mua bảo hiềm mà trên hệ thống không có hồ sơ thì cứ đòi cộng tác viên bán hàng. Còn tiền chi trả thì Tổng công ty có quỹ, cứ đúng sự thật mà làm, nếu không xử lý được, khách hàng có thể kiện".
Theo đại diện PTI Tây Bắc, phía công ty đã nhiều lần kiến nghị với Tổng Công ty PTI làm sao đẩy nhanh giải quyết hồ sơ cho khách hàng, cần trả lời cho người mua có hay không được nhận bồi thường, và khi nào chi trả.
"Nếu không giải quyết được cho khách hàng thì PTI sẽ rất mang tiếng, mất uy tín thị trường sẽ không làm được gì nữa" - ông Hùng nói với Dân Việt.
Khách hàng có thể khởi kiện
Sau khi đọc các bài viết phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: "Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo Giấy chứng nhận mà khách hàng cung cấp bảo hiểm Vững tâm an có những tồn tại.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, thứ nhất: Không có ngày tháng năm sinh của bên mua bảo hiểm, trong khi việc tra cứu trên trang thông tin của công ty bảo hiểm có yêu cầu ngày tháng năm sinh của bên mua bảo hiểm.
Thứ hai là không có phương thức đóng phí bảo hiểm. Thứ ba là không có phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường. Cuối cùng là không có các quy định giải quyết tranh chấp.
Việc tra cứu trên trang thông tin của công ty bảo hiểm theo giấy chứng nhận bảo hiểm cũng không tra cứu được, không công khai, minh bạch.
Đối với Phụ lục về hỗ trợ dịch bệnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho hay: "Từ ngày 31/03/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã yêu cầu dừng các sản phẩm bảo hiểm Covid bán rời - mua độc lập. Hiện nay, sản phẩm đặc thù dành riêng cho Covid - 19 không còn nữa mà được tích hợp trong các sản phẩm khác. Phụ lục này chính là tích hợp hỗ trợ dịch bệnh trong sản phẩm bảo hiểm Vững tâm an".
Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, theo như ý kiến khách hàng có nhiều người mua sản phẩm bảo hiểm này và bị mắc Covid-19 nhiều nên phía công ty bảo hiểm bưu điện quá hạn trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, công ty bảo hiểm ra liên tiếp các văn bản làm khó khách hàng trong việc nhận tiền bảo hiểm.
Khi có sự kiện bảo hiểm, theo đó, sự kiện bảo hiểm được hiểu là "sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm (Điều 3, khoản 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm hợp nhất năm 2013).
Đồng thời, tại phụ lục này đã quy định rõ quỹ hỗ trợ dịch bệnh khi nằm viện điều trị, tử vong do dịch bệnh nhưng công ty bảo hiểm vẫn chậm trả tiền bảo hiểm đã có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm. Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại (Điều 419, khoản 2 Bộ luật dân sự năm 2015).
"Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm, cần phản ánh lên đường dây nóng, làm đơn lên Ban kiểm soát công ty bảo hiểm. Nếu vẫn không nhận được phản hồi. Khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền" - Luật sư Hoàng Tùng khẳng định.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.