Đó là câu chuyện cảm động trong một lần phát cơm cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Phổi Trung ương của nhóm nồi cơm Hiểu và Thương.
Trong sinh nhật lần thứ 10 (diễn ra ngày 23/4/2022) của nhóm, bà Nguyễn Thị Luận – Trưởng nhóm nồi cơm Hiểu và Thương cho biết, từ những ngày đầu, nhóm chỉ có 5-7 người rồi lên tới 15 người.
Lúc đó, tổ cơm tập trung vào nấu xôi để phát cho người nghèo, người vô gia cư. Cứ 9h tối mọi người đi phát và sáng về đến nhà.
Sau đó, trong nhóm có 1 bạn đi phát cơm và gặp phải những không tốt. Nhận thấy sự nguy hiểm khi đi lại giữa đêm khuya nên mọi người nghĩ đến thổi cơm để phát ở bệnh viện.
Đến nay, 10 năm chính thức thành lập, mỗi tuần 2 buổi, nhóm mang những suất cơm về với bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi Trung ương và các em khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống.
"Ban đầu, tổ nấu cho Khoa nhi Bệnh viện Phổi Trung ương. Mỗi tuần phát cơm 2 buổi. Mỗi buổi phát khoảng 100 suất cơm đổ lại. Dần dần người ta thấy mình làm được, người ta quyên góp thêm. Sau đó, nồi cơm phát triển lên thành 200 suất, 400 suất, thậm chí có ngày lên đến 600 suất" – Bà Nguyễn Thị Luận cho hay.
Nói về nguồn kinh phí hoạt động của tổ cơm bà Luận chia sẻ: "Kinh phí để nấu cơm chủ yếu là các thành viên trong tổ tự đóng góp. Đến bây giờ tổ có 130 người tham gia, mỗi người đóng tối thiểu chỉ 100.000 đồng và có người đóng hơn, có người cho tiền, người cho tạ gạo.
Có nhiều các cụ già về hưu trích ra tiền lương ra để làm từ thiện. Hay chị em tiểu thương ở các chợ như chợ Đồng Xuân, Cầu Diễn, Đồng Xa,... cùng nhau góp tiền".
Một lần vô tình bà Nguyễn Thị Thực (phường Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) biết đến tổ cơm. Đến này bà trở thành thành viên của tổ được 5 năm. Bà Thực nhớ lại: "Lần đó bà đi chợ và thấy các bà các cụ xúng xính váy áo, rộn ràng đi vào nhà văn hóa phường. Bà gặp được bà Luận mới hỏi có chuyện gì mà các ông bà mặc đẹp và vui vậy. Bà Luận nói là đi dự sinh nhật 5 năm của nhóm từ từ thiện nồi cơm Hiểu và Thương. Thấy nhóm hoạt động ý nghĩa nên bà cũng xin tham gia".
Từ đó, trong 5 năm nay, mỗi khi đến lịch phát cơm, bà Thực lại không ngại dậy sớm đến địa điểm để cùng tham gia với mọi người nấu những suất ăn tặng bệnh nhân nghèo.
Mười năm qua, những kỷ niệm của các thành viên trong tổ cứ mỗi ngày một dày thêm. Song với họ, câu chuyện một bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Trung ương dành tặng bài thơ cho nhóm vẫn được ghi nhớ mãi.
"Đợt đó tổ cơm đến phát cơm cho những bệnh nhân khoa Ung bướu Bệnh viện Phổi Trung ương. Có bệnh nhân đã được ra viện từ thứ 6 nhưng họ xin ở lại chấp nhận ngủ ghế đá chờ thứ 2 tổ cơm đến để nói lời cảm ơn và tặng một bài thơ. Lúc đó tất cả mọi người đều xúc động bật khóc" – Bà Luận bồi hồi nhớ lại.
"Tổ cơm Hiểu Thương vô tư tình nguyện
Đến bệnh nhân giúp đỡ bệnh nghèo
Không phải họ hàng con cháu người thân
Tấm lòng chia sẻ giúp người nghèo thanh thản
Người làm từ thiện như ông bụt bà tiên
Suất cơm bát cháo trao tình thương
Đối với bệnh nhân là sức mạnh tinh thần"
* Bài thơ do một bệnh nhân được nhận cơm gửi tặng nhóm
Bát cháo, chén cơm là sức mạnh giúp cho người bệnh nghèo chiến đấu với bệnh tật. Với những thành viên trong tổ cơm, các cụ ông, cụ bà vẫn luôn truyền nhau những câu thơ trên như một động lực để có nhiều hơn nữa những bữa cơm về với người khó khăn.
Vậy nên, 10 năm nay không kể ngày mưa giông hay nắng nóng, không kể dịch bệnh, căn bếp của tổ cơm vẫn luôn đỏ lửa.
Dưới đây là một số hình ảnh về lễ sinh nhật của nhóm nồi cơm Hiểu và Thương: