Clip: Ông Bùi Văn Sỹ, trú tại thôn Trường An, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) là đảng viên, người có uy tín ở địa phương.
Tuổi trẻ, đầy nhiệt huyết với công tác đoàn
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm, trò chuyện cùng cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Bùi Văn Sỹ, SN 1940, trú tại thôn Trường An, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Nghe ông kể về lịch sử hào hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của các thế hệ ông, cha đã trải qua khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Năm 1958, mong muốn góp sức mình trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, chàng thanh niên Bùi Văn Sỹ lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã đăng ký, tham gia công tác đoàn tại địa phương. Trong khoảng từ năm 1958-1972, ông Sỹ tham gia hoạt động công tác đoàn năng nổ, nhiệt tình nên được tổ chức tín nhiệm bầu làm nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương.
Nhớ lại khoảng thời gian trai trẻ, nhiệt huyết với công tác đoàn, ông Bùi Văn Sỹ nói: "Tôi mồ côi cha lúc lên 5 tuổi, đến 7 tuổi mẹ xuất giá theo chồng mới. Tôi không có anh chị em, nên được 2 bên nội ngoại nuôi dưỡng.
Vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không được học hành đến nơi đến chốn, khi tham gia công tác đoàn tôi được đơn vị nhiều lần cử đi học bổ túc. Được các bậc lão thành chỉ bảo, tạo điều kiện và bà con nhân dân tín nhiệm, giúp đỡ nên tôi mới hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó".
Tháng 2/1962, ông Sỹ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bầu làm Bí thư Đoàn xã Hồng Lộc. "Sau 7 năm cống hiến bằng xương máu, tinh thần và cả tuổi trẻ tôi đã được Đảng công nhận, lúc đó tôi vỡ oà vì hạnh phúc", ông Sỹ tâm sự.
Năm 1972, ông Sỹ tròn 30 tuổi (hết tuổi đoàn), ông được Tỉnh ủy điều động làm Bí thư Chi bộ của đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) C2991, thuộc đội 299, P18 tại địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.
Chia sẻ với chúng tôi về khoảng thời gian khó khăn đó, ông Bùi Văn Sỹ nói: "Thời kỳ đó không chỉ đơn vị tôi khó khăn mà là đặc điểm chung của cả nước. Khi tiếp nhận làm Bí thư Chi bộ của đơn vị TNXP C299, 3 tháng đầu tiên đơn vị tôi không có quân nhu vì khó khăn chung. Vào mùa đông, chúng tôi đào mỗi người một cái hầm nhỏ, phía trong trãi đều lá cây ở dưới, lấy bao tải làm chăn để tránh cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông. Về ăn uống, chúng tôi tiết kiệm tối đa.
Tuy thiếu thốn vật chất, nhưng tinh thần của anh, em trong đơn vị rất cao. Tôi thường động viên các anh, em rằng, chúng ta phải bám trụ đến cùng cho dù có chuyện gì xảy ra".
"Vì thực hiện nhiệm vụ tham gia chiến đầu, đơn vị tôi đã có 1 đồng chí hy sinh, nhiều người khác đã không lập được gia đình vì mang trên mình vết thương chiến trang", ông Vỹ buồn bã nói.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Bùi Văn Sỹ được điều về công tác tại Huyện ủy Can Lộc. Năm 1977-1989, ông Sỹ được bầu làm Phó Chủ tịch Nông dân tập thể Can Lộc (sau này là Hội Nông dân huyện Can Lộc).
Nghỉ hưu lại hăng say công tác
Trở về địa phương năm 1990, ông Bùi Văn Sỹ được nhân dân và chính quyền địa phương tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Trường An, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hồng Lộc…
Năm 2013, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Lộc Hà. Ông cống hiến hết mình vì công việc đến tháng 10/2021 thì được nghỉ vì tuổi cao.
Ông Bùi Văn Sỹ nói đùa rằng, tuy mình đã lớn tuổi nhưng may 3 lần được làm thanh niên. Lần thứ nhất lúc ông 18 tuổi đăng ký tham gia làm công tác đoàn, lần thứ 2 là khi ông được cử làm Bí thư Chi bộ của đơn vị TNXP tại địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh và lần cuối cùng là ông làm lãnh đạo Hội Cựu TNXP cấp xã và huyện.
Bà Phạm Thị Vần, 82 tuổi (vợ ông Bùi Văn Sỹ) cho hay: "Năm 1964, tôi và ông Bùi Văn Sỹ lấy nhau. Vì hoàn cảnh khó khăn không đủ gạo để tiếp đãi gia đình, bạn bè ngày cưới, chúng tôi đã phải vay Hợp tác xã 50kg lúa để về tiếp khách. Lương ông Sỹ vào thời điểm đó là 8 đồng, số tiền đó vừa đủ để ông ấy mua gạo để ăn khi lên huyện họp, chứ không có dư.
Để chồng yên tâm tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, tôi phải đi làm vườn chè, đi làm thuê để lấy tiền nuôi 6 người con ăn học. Thấy chồng được nhiều người tín nhiệm, yêu quý tôi cũng rất tự hào".
Tuy đã được nghỉ hưu, nhưng ông Bùi Văn Sỹ luôn năng nổ, tham gia tích cực mọi phong trào tại địa phương. Năm 2018, gia đình ông hiến hơn 60m2 đất để mở rộng đường nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới.
"Được thế hệ trẻ quý mến, noi gương tôi rất vui. Nếu còn sức, tôi còn phấn đấu để xây dựng quê hương theo lời thề khi xin vào Đảng", ông Sỹ nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Đình Phong - Bí thư Đảng uỷ xã Trường An, cho biết: "Ông Bùi Văn Sỹ là người nhiệt huyết, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở xã và huyện. Ông luôn tuân thủ các chủ trương của đảng, chính sách của nhà nước, đặc biệt là đi đầu trong phong trào nông thôn mới. Gia đình ông đã hiến 60m2 đất để mở đường dân sinh".
"Hiện nay tuy ông Sỹ đã về hưu, nhưng ông rất tâm huyết đối với các hoạt động ở địa phương. Nhờ sự tâm huyết của mình, ông đã nhiều lần được huyện, xã tặng bằng khen về hoạt động của mình"- ông Mai Đình Phong - Bí thư Đảng uỷ xã Trường An, nói.