Đồng bào dân tộc La Chí xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà không chỉ được biết đến là "bậc thầy" làm ruộng bậc thang, trồng bông, dệt vải; là nơi sinh ra những cô thôn nữ La Chí đẹp tự nhiên mà còn có văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc, độc đáo.
Bên cạnh các món ăn đặc sản chế biến từ thịt trâu, cá chép đồng nướng… thì thịt chuột là món ăn không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân La Chí ở Bắc Hà. Theo đó, thịt chuột thường được dùng trong các bữa ăn hằng ngày, cúng tế và đãi bạn đến chơi nhà.
Những ngày trở lại Nậm Khánh công tác, đến thăm các bản làng người Dao, đặc biệt là Bản Nậm Táng, nơi cư trú của đại bộ phận người La Chí, chúng tôi đã được bà con chiêu đãi món thịt chuột vô cùng ấn tượng.
Ông Vương Chiến Thanh, nguyên lãnh đạo xã đã nghỉ chế độ, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc La Chí Nậm Khánh giới thiệu con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí Nậm Khánh.
Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.
Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được người La Chí coi là món ăn hàng ngày, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Thời điểm được người dân tiến hành săn bắt chuột thường vào mùa khô, đặc biệt là mùa làm nương rẫy khoảng tháng 2 – tháng 3 âm lịch. Và vào mùa thu hoạch lúa từ tháng 8 – tháng 9 âm lịch. Vì những tháng này thời tiết khô ráo, cây cỏ phát triển, động vật đi kiếm ăn nhiều.
Vào mùa làm nương, người dân nơi đây tranh thủ bắt chuột nhằm vừa bảo vệ màng màng, vừa kiếm thêm thức ăn, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đến vụ mùa lúa chín, người dân nơi đây kéo nhau đi săn chuột ở khắp vùng.
Khi lúa chín, nguồn thức ăn của chuột phong phú và nhiều hơn. Lúc này, những con chuột ở đây mới nhiều và béo tròn. Từ trai gái, già, trẻ khi ra đồng ai cũng mang theo bẫy để bắt chuột. Hết mùa lúa thì chuột sẽ ít hơn và nó sẽ trốn vào rừng để tìm kiếm thức ăn.
Thời gian này, những người đàn ông La Chí lại tiếp tục vào rừng đặt bẫy. Họ đào hang ở rừng vầu, rừng tre để bắt chuột.
Ông Vương Chiến Thanh cho biết: Món thịt chuột được người La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.
Chuột bẫy về được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên từ đuôi lên đầu rồi đem thui với rơm nếp cho vàng ruộm. Sao đó, người ta mổ bụng, lột bỏ nội tạng, rửa sạch, xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác.
Nếu ăn thịt chuột nướng thì kẹp que nướng trên than củi ở bếp giữa nhà cho chín rồi ăn luôn.
Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể thì đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần.
Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.
Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí.
Ông Lý Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh cho biết thêm: "Xã Nậm Khánh cách trung tâm huyện hơn 12 km, đi lại khá thuận lợi, nằm trong tour du lịch; thị trấn Bắc Hà- Nậm Khánh- Bản Liền. Nậm Khánh có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nhất là vẻ đẹp ruộng bậc thang của người La Chí mùa nước đổ, mùa lúa chín vàng rẻo cao, văn hóa dân tộc độc đáo, nguyên sơ, đặc sắc nên thu hút khá nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, hiện nay người La Chí vẫn giữ được nét văn hóa, tập quán tốt đẹp như trồng bông dệt vải, văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn ngon, lạ, trong đó có đặc sản thịt chuột.
"Tuy nhiên Nậm Khánh là xã còn nghèo, người dân chưa có điều kiện làm du lịch cộng đồng nên chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm, các cấp, các ngành đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương để khơi dậy văn hóa dân tộc La Chí" - ông Phong chia sẻ.