Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chiến dịch tại Ukraine dường như đang diễn ra tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến. Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng ước tính khoảng 20.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Trong bối cảnh Nga đối mặt với những tổn thất trong chiến sự và ảnh hưởng kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng ông Putin có thể sẽ cố gắng trả đũa bằng một loạt cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Ngoài các mục tiêu thông thường, bao gồm Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), dịch vụ ngân hàng và các công ty lớn, một chuyên gia cảnh báo rằng ông Putin có thể nhắm mục tiêu vào các nhà máy hạt nhân, có khả năng dẫn đến hậu quả tàn khốc.
Chia sẻ với Express.co.uk, Reuven Aronashvili, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của công ty an ninh mạng CYE, cho biết châu Âu hiện đang bị tấn công không chỉ bởi các tin tặc mạng hoạt động trực tiếp dưới quyền Tổng thống Putin mà còn cả "các băng nhóm an ninh mạng sát cánh với Nga".
Ông nói thêm: "Có một số tổ chức đa quốc gia đã bị nhắm mục tiêu và bị tấn công, chúng tôi thấy những ảnh hưởng rõ ràng đến các tổ chức này".
Tuy nhiên, sau đó ông làm rõ rằng trong hầu hết các trường hợp, tác động tồi tệ nhất mà các công ty này gặp phải là "tạm ngưng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh" hoặc thậm chí rò rỉ dữ liệu cá nhân lên mạng.
Theo ông Aronashvili, sự chuẩn bị kĩ càng từ các công ty lớn là lý do chính khiến một số tác động tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Tại Anh, cơ quan tình báo Anh GCHQ đã cảnh báo các công ty nên "tăng cường khả năng phòng thủ trực tuyến" khi chiến sự Ukraine ngày càng căng thẳng.
Ông Aronashvili nói thêm: "Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng môi trường ngân hàng là một trong những mục tiêu hàng đầu. Không phải tất cả đều thành công, nhưng số cuộc tấn công đã tăng lên đáng kể".
Sau đó, ông lưu ý rằng tin tặc Nga có thể nhắm mục tiêu vào các công ty năng lượng châu Âu, điều này đặc biệt quan trọng khi châu lục này muốn tăng cường an ninh năng lượng và chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Ông tiếp tục: "Các cuộc tấn công mạng có thể làm gián đoạn quy trình sản xuất và phân phối năng lượng. Các tuabin khí, tuabin hơi nước, tuabin gió, thậm chí cả các cơ sở hạt nhân trong một số trường hợp, đều có thể ngừng hoạt động".
Ông Aronashvili nói thêm rằng trong một số tình huống xấu nhất "mà chúng tôi chưa thấy cho đến bây giờ", các cuộc tấn công của tin tặc Nga có thể gây ra thảm họa hạt nhân.
Ông giải thích: "Hãy nghĩ về một cơ sở hạt nhân đang bị tấn công, chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho lõi của môi trường hạt nhân, khi đó những nguy hiểm và tác động sẽ là không thể kể xiết. Nếu máy ly tâm hoặc lõi động cơ nào đó bị hỏng, các chất phóng xạ chắc chắn sẽ lan ra tới các môi trường cụ thể và không có cách nào để giải quyết, tương tự như ở Fukushima hay những nơi khác trên thế giới".
"Những động thái này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nặng nề", ông Aronashvili nhấn mạnh.