Phân tích: Khả năng Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine và châu Âu lớn đến đâu?
Phân tích: Khả năng Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine và châu Âu lớn đến đâu?
Lê Phương (RT)
Thứ hai, ngày 25/04/2022 15:58 PM (GMT+7)
Khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine gần như bằng không, tuy nhiên các hành động của NATO có thể làm tăng nguy cơ hạt nhân đối với châu Âu.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), William Burns, đã gây xôn xao gần đây khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine. "Với những thất bại mà Tổng thống Vladimir Putin và giới lãnh đạo Nga phải đối mặt cho đến nay, không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", ông Burns nói.
Tuyên bố của ông Burns xuất phát từ thông tin được Ukraine, Mỹ và các phương tiện truyền thông phương Tây công bố, cho rằng Nga đã phải chịu những thất bại nghiêm trọng ở Ukraine và đang tuyệt vọng để cứu vãn tình hình quân sự trên thực địa.
Nga phản đối tuyên bố này, cho rằng "hoạt động quân sự đặc biệt" của họ ở Ukraine vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch, sau khi chuyển sang giai đoạn thứ hai, tập trung vào việc tiêu diệt các lực lượng quân sự Ukraine trong và xung quanh khu vực Donbass.
Bản thân ông Burns cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho tuyên bố của mình về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. "Mặc dù chúng tôi đã chứng kiến một số tuyên bố từ phía Điện Kremlin về việc chuyển sang mức cảnh báo hạt nhân cao hơn, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều bằng chứng thực tế", ông Burns nói. "Nhưng chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao, đây là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của chúng tôi tại CIA".
Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Những lo ngại của ông Burns được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc đến trên diễn đàn quốc tế khi trả lời câu hỏi của phóng viên CNN về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Zelensky trả lời: "Chúng ta không nên đợi đến lúc Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải chuẩn bị trước cho điều đó".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bác bỏ phân tích của ông Zelensky về nhận xét của ông Burns. "Ông Zelensky nói rất nhiều điều", ông Lavrov chia sẻ với một phóng viên trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây. "Tôi sẽ không đưa ra bình luận, đặc biệt khi đó là một cáo buộc phiến diện".
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng Mỹ và Nga, trong Hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2021 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nhắc lại thống nhất chung từ thời Chiến tranh Lạnh rằng: "Không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân", một tuyên bố đã được thông qua bởi 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) vào tháng 1/2022. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng tuyên bố này vẫn có hiệu lực đầy đủ và Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.
Theo phía Nga, các tuyên bố của ông Burns và Zelensky là một phần của chiến lược quan hệ công chúng tổng thể được thiết kế nhằm dựng lên một hình ảnh tiêu cực về nước Nga cùng vũ khí hạt nhân của nước này, đại diện cho một mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình thế giới.
Kể từ khi tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu được triển khai, Tổng thống Putin đã làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng hạt nhân của Nga khi cảnh báo Mỹ, NATO và EU không được can thiệp trực tiếp vào Ukraine. "Bất cứ ai cố gắng can thiệp hay gây ra mối đe dọa cho đất nước của chúng tôi, cho người dân của chúng tôi, nên biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức và mang đến những hậu quả chưa từng có trong lịch sử".
"Các nước phương Tây không chỉ có những hành động không thân thiện đối với Nga trong lĩnh vực kinh tế, mà các quan chức hàng đầu của NATO cũng đã có những tuyên bố gây hấn liên quan đến đất nước chúng tôi", ông Putin nói trong cuộc gặp với các quan chức thân cận của mình. Sau đó, ông chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội, Valery Gerasimov, đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào một "chế độ tác chiến đặc biệt".
Trong khi một số chuyên gia chống Nga ở phương Tây cho rằng chỉ thị của Putin như một mệnh lệnh nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động của kho vũ khí hạt nhân Nga, thì nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng mệnh lệnh của ông Putin rất có thể chỉ đơn giản là tăng cường khả năng liên lạc của các cơ quan chỉ huy và kiểm soát liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, chứ không thay đổi mức độ sẵn sàng hoạt động của bất kỳ đơn vị hạt nhân tiền tuyến nào.
Vào ngày 2/6/2022, Nga - lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm - đã công bố trước công chúng một tài liệu mang tên "Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân", trong đó giải thích chính sách chống chiến tranh hạt nhân của Nga.
"Các nguyên tắc cơ bản" của Nga nêu rõ rằng vũ khí hạt nhân được xem "như một phương tiện răn đe", việc sử dụng chúng được coi là "một biện pháp bắt buộc cuối cùng". Các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga được tổ chức để phản công trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga.
Tài liệu cũng nêu chi tiết về khả năng "phóng khi cảnh báo" của Nga, lưu ý rằng Nga sẽ phóng vũ khí hạt nhân nếu nhận được "dữ liệu đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của Nga và/hoặc các đồng minh của Nga". Nga cũng sẽ trả đũa nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng nhằm chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của họ.
Tài liệu cũng phác thảo hai kịch bản mà Nga sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Đầu tiên liên quan đến một cuộc tấn công của kẻ thù nhằm vào các địa điểm quan trọng của chính phủ hoặc quân đội Nga, nhắm mục tiêu đến giới lãnh đạo chính trị và quân sự. Kịch bản thứ hai liên quan đến bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga và khiến nhà nước lâm nguy.
Như Sergey Lavrov đã chỉ ra trong tuyên bố của mình với báo chí Ấn Độ, không có điều kiện nào được quy định trong tài liệu "Các nguyên tắc cơ bản" áp dụng cho tình hình hiện tại ở Ukraine.
Khả năng gia tăng căng thẳng hạt nhân ở châu Âu
Điều này không có nghĩa là xung đột Ukraine không dẫn đến gia tăng căng thẳng hạt nhân ở châu Âu. Ở Thụy Điển, sự ủng hộ gia nhập NATO ngày càng tăng và Phần Lan có thể sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO trong vòng vài tuần. Nếu khối do Mỹ đứng đầu kết nạp hai quốc gia này, đây có thể là trường hợp Nga sẽ phải đáp trả quân sự - hoặc ít nhất là tăng cường xây dựng lực lượng Nga ở khu vực này.
Theo Dmitry Medvedev, cựu tổng thống kiêm thủ tướng hiện đang cố vấn cho Tổng thống Putin về các vấn đề an ninh quốc gia, nếu Thụy Điển hoặc Phần Lan gia nhập NATO, "Moscow sẽ không nói về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào của vùng Baltic nữa - sự cân bằng phải được khôi phục".
Cuộc thảo luận về việc Thụy Điển cũng như Phần Lan gia nhập NATO diễn ra sau một nỗ lực phối hợp của khối nhằm triển khai các máy bay chiến đấu F-35A có năng lực hạt nhân. Jessica Cox, giám đốc ban chính sách hạt nhân NATO ở Brussels, gần đây tuyên bố: "Chúng tôi đang tiến hành triển khai nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa F-35 và kết hợp những thứ đó vào kế hoạch chung của NATO".
Bà Cox cho biết: "Vào cuối thập kỷ này, hầu hết các đồng minh của chúng tôi sẽ chuyển sang sử dụng F-35".
F-35A đã được chứng nhận là máy bay có khả năng hạt nhân vào tháng 10/2021, sau khi được thử nghiệm sử dụng bom hạt nhân B-61. Mỹ duy trì một kho dự trữ khoảng 150 quả bom hạt nhân B-61 tại các kho chứa khác nhau trên khắp châu Âu. Những vũ khí này dự định sẽ được sử dụng bởi cả Mỹ và NATO.
Bà Cox đặc biệt lưu ý rằng các đồng minh NATO khác hiện đang vận hành F-35, chẳng hạn như Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy, có thể được kêu gọi hỗ trợ các sứ mệnh chia sẻ hạt nhân của NATO trong tương lai. Phần Lan gần đây đã thông báo rằng họ có ý định mua 60 máy bay chiến đấu F-35A, một động thái nhiều khả năng khiến Nga lo ngại.
Việc Mỹ và các lực lượng không quân NATO khác sử dụng F-35A để hỗ trợ chiến dịch gọi là "kiểm soát không quân Baltic" đang diễn ra trên bầu trời Latvia, Estonia và Lithuania, được Nga coi là mối đe dọa nghiêm trọng, vì mọi chiếc F-35A trên không đều được coi là một mối nguy hiểm tiềm tàng.
Nga có thể không chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, dường như những hành động hiện tại của NATO có thể làm tăng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga ở châu Âu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.