Hơn 2 hai tháng diễn ra chiến sự Nga - Ukraine, Điện Kremlin đã có những bước đi phi thường để ngăn chặn một cuộc phản công kinh tế từ phương Tây. Trong khi Nga tuyên bố một số chiến thắng mang tính biểu tượng, thì tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đang bắt đầu được cảm nhận theo những cách rất thực tế.
Khi phương Tây cắt đứt khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Nga, hạn chế nhập khẩu các công nghệ quan trọng và thực hiện các hành động hạn chế khác, Điện Kremlin đã đưa ra một số biện pháp quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế của mình. Những điều đó bao gồm việc tăng lãi suất lên tới 20%, thiết lập các biện pháp kiểm soát vốn và buộc các doanh nghiệp Nga phải chuyển lợi nhuận của họ thành đồng nội tệ rúp.
Kết quả là, giá trị của đồng rúp đã phục hồi sau đợt lao dốc ban đầu, và tuần trước, ngân hàng trung ương đã đảo ngược một phần việc tăng lãi suất. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm thấy được khích lệ và tuyên bố gợi lên hình ảnh về Thế chiến thứ hai rằng, đất nước đã chịu đựng được "hàng loạt các biện pháp trừng phạt" của phương Tây.
Ông Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình trước nội các của mình trong tuần trước rằng: "Chúng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, tính chính trị của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã thất bại". Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục cho rằng, các chính phủ phương Tây đã làm tổn hại đến nền kinh tế của chính họ trong khi cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế Nga.
Michael Alexeev, giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana, người đã nghiên cứu nền kinh tế Nga trong quá trình chuyển đổi sau khi Liên Xô cũ sụp đổ cho biết: "Chính phủ muốn vẽ nên một bức tranh rằng, mọi thứ không tệ như thực tế". Tuy nhiên, một cái nhìn kỹ hơn cho thấy các lệnh trừng phạt đang cắn xé nền kinh tế Nga thực sự:
- Đất nước đang phải chịu đựng đợt lạm phát tồi tệ nhất trong suốt hai thập kỷ qua. Rosstat, cơ quan thống kê kinh tế Nga cho biết, lạm phát tháng trước ở Nga đạt 17,3%, mức cao nhất kể từ năm 2002. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến giá tiêu dùng ở Nga sẽ tăng 8,7% trong năm nay, tăng từ 5,9% của năm ngoái.
- Một số công ty của Nga đã buộc phải đóng cửa. Một số báo cáo cho biết, một nhà sản xuất xe tăng đã phải ngừng sản xuất do thiếu các bộ phận. Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng, việc đóng cửa các nhà máy ô tô Lada - một thương hiệu do công ty Avtovaz của Nga và nhà sản xuất ô tô Pháp Renault sở hữu phần lớn - là một dấu hiệu của lệnh trừng phạt có hiệu lực.
- Thị trưởng Matxcơva cho biết, thành phố đang xem xét 200.000 người mất việc làm do các công ty nước ngoài đóng cửa hoạt động. Hơn 750 công ty đã ngừng hoạt động ở Nga và các chuỗi cung ứng quốc tế phần lớn đã ngừng hoạt động, sau khi công ty container Maersk, UPS, DHL và các công ty vận tải khác rời Nga.
- Nga đang phải đối mặt với một vụ vỡ nợ lịch sử đối với trái phiếu của mình, điều này có thể sẽ khiến nước này bị đóng băng khỏi thị trường nợ trong nhiều năm.
Trong khi đó, các quan chức Bộ Tài chính Nga và hầu hết các nhà kinh tế học thúc giục sự kiên nhẫn, nói rằng các lệnh trừng phạt phải mất nhiều tháng mới có hiệu lực đầy đủ. Tuy nhiên, nếu Nga không thể có được lượng vốn, bộ phận linh kiện hoặc nguồn cung cấp phù hợp theo thời gian, điều đó sẽ khiến nhiều nhà máy và doanh nghiệp Nga phải đóng cửa, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Phải mất gần một năm sau khi Nga bị trừng phạt vì chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 thì dữ liệu kinh tế của nước này có dấu hiệu đau khổ, chẳng hạn như lạm phát cao hơn, sản xuất công nghiệp giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
David Feldman, giáo sư kinh tế tại William & Mary ở Virginia cho biết: "Những điều mà chúng ta nên tìm kiếm để xem liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hay không, nhưng vẫn chưa dễ dàng nhận thấy. Chúng tôi sẽ tìm kiếm giá cả hàng hóa, số lượng hàng hóa mà họ đang sản xuất và chất lượng hàng hóa. Cái cuối cùng khó thấy nhất và có lẽ cũng là cái cuối cùng sẽ xuất hiện".
Tính minh bạch về cách các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga còn hạn chế, phần lớn là do Điện Kremlin đã thực hiện những biện pháp ứng phó bất thường để chống lại nó. Ngoài ra, lĩnh vực lớn nhất của họ là dầu và khí đốt - phần lớn không bị cản trở do châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Benjamin Hilgenstock và Elina Ribakova, các nhà kinh tế của Viện Tài chính Quốc tế ước tính trong một báo cáo công bố tháng trước rằng, nếu Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ cấm dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, nền kinh tế Nga có thể giảm hơn 20%/năm. Các dự báo hiện tại dự báo mức giảm này chỉ khoảng 15%.
Mặc dù EU đã đồng ý sẽ cấm sử dụng than của Nga vào tháng 8 tới đây, và đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí nào giữa 27 quốc gia về việc ngừng khai thác dầu và khí đốt tự nhiên. Vốn dĩ, Liên minh châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp của Nga so với Anh và Mỹ, những quốc gia đã cấm hoặc đang loại bỏ dần dầu của Nga. Trong khi đó, Nga nhận được 850 triệu USD mỗi ngày từ riêng châu Âu cho dầu và khí đốt của mình.
Không riêng gì việc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng điều chỉnh các biện pháp trừng phạt để ảnh hưởng đến khả năng gây chiến của Nga, và ảnh hưởng về mặt tài chính đối với những người ở cấp cao nhất trong chính phủ, thì người dân Nga bình thường cũng đang bị ảnh hưởng. Họ đã nhận thấy giá cả tăng vọt. Cư dân ở một vùng ngoại ô Moscow cho biết, những bình nước uống 19 lít mà họ thường đặt đã trở nên đắt hơn gần 35% so với trước đây. Tại các siêu thị và cửa hàng trong khu vực của họ, giá 1kg (2,2 pound) đường đã tăng 77%; một số loại rau giá cao hơn từ 30% đến 50%.
Các trang web tin tức địa phương ở các khu vực khác nhau của Nga trong những tuần gần đây đã đưa tin rằng, nhiều cửa hàng đóng cửa trong các trung tâm thương mại sau khi các công ty và thương hiệu phương Tây tạm dừng hoạt động hoặc rút khỏi Nga, bao gồm Starbucks, McDonald's và Apple.
Nga thắng trong cuộc chiến kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc liệu Điện Kremlin có thể thúc đẩy sự chia rẽ ở phương Tây, khiến các lệnh trừng phạt trở nên chắp vá được hay không!
Điện Kremlin và các đồng minh trên mạng xã hội đã nhiều lần chỉ ra sự phục hồi của đồng rúp Nga là một dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây không có tác dụng. Nhưng các quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã bác bỏ tầm quan trọng của sự phục hồi đồng rúp này.
"Nền kinh tế Nga đang thực sự quay cuồng với các lệnh trừng phạt mà chúng tôi đưa ra", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng giá trị của đồng rúp đã bị tăng giả tạo do sự can thiệp của ngân hàng trung ương Nga.
Việc Nga thắng trong cuộc chiến kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc liệu Điện Kremlin có thể thúc đẩy sự chia rẽ ở phương Tây, khiến các lệnh trừng phạt trở nên chắp vá và kém hiệu quả hơn hay không. Tận dụng viễn cảnh này, Nga sẽ có thời gian để phát triển các giải pháp thay thế cho hàng hóa mà nước này không thể tiếp cận được nữa, một khái niệm được gọi là thay thế nhập khẩu.
Nhìn lại các lệnh trừng phạt năm 2014, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, tác động đối với Nga là khiêm tốn, chỉ vì Mỹ đã hành động hiệu quả một mình. Nhưng lần này, có rất nhiều "diễn viên quốc tế". Nhưng Alexeev, giáo sư Đại học Indiana cũng nhìn thấy một khoảng trống rõ ràng. Ông nói: "Chừng nào Nga còn có thể tiếp tục bán dầu và khí đốt, họ dễ dàng sẽ vượt qua cơn bão này".
Putin và chính phủ cố gắng tạo ra một câu chuyện vui rằng, các lệnh trừng phạt là một món quà cho các nhà sản xuất nội địa của Nga
Nhà kinh tế học Maxim Mironov nói rằng, Putin và chính phủ của ông đã cố gắng tạo ra một câu chuyện vui rằng, các lệnh trừng phạt là một món quà cho các nhà sản xuất nội địa của Nga và nhận định rằng Nga có thể chuyển hướng thương mại của mình sang các cường quốc đang lên như Trung Quốc. Nhưng có một điểm khó khăn, Mironov nói. Là nó sẽ phá hủy hoàn toàn nền kinh tế như cách nó đã từng như thế nào. Điều đó bắt đầu với sự di cư của các công ty lớn trên toàn cầu - McDonald's, Starbucks, IKEA và những công ty khác, và dĩ nhiên khi các lệnh trừng phạt càng tăng cao, thì càng về cuối con số rút quân sẽ càng "ráo riết". Ngoài ra, còn có những điều kỳ quặc của cuộc sống dưới các lệnh trừng phạt, như chi phí tăng vọt của giấy sao chép văn phòng.
Nhưng đồng tiền quốc gia Nga, đồng rúp đã phục hồi trở lại giá trị ban đầu sau khi sụp đổ sớm nhờ các động thái của ngân hàng trung ương. Sản phẩm và hàng hóa vẫn còn trên kệ siêu thị, thậm chí cả thẻ tín dụng và máy rút tiền vẫn hoạt động trong nước. Nhưng Maxim Mironov cho rằng, đó là bởi vì nó chỉ đơn thuần chỉ là cơn đau bị trì hoãn.
Nga sẽ sớm thấy mình bị sa ngã bởi một đặc điểm của hầu hết các nền kinh tế hiện đại
Natalya Zubarevich, một chuyên gia về kinh tế khu vực của Nga thuộc Đại học Tổng hợp Moscow nói: "Các lệnh trừng phạt không có hiệu lực ngay lập tức". Zubarevich cảnh báo Nga sẽ sớm thấy mình bị sa ngã bởi một đặc điểm của hầu hết các nền kinh tế hiện đại. Bởi họ không tự sản xuất nhiều. Bà cho biết, chẳng bao lâu nữa, các ngành công nghiệp lớn từ ô tô, hàng không đến dầu khí sẽ nhận thấy rằng họ đang thiếu các bộ phận nhập khẩu quan trọng, dẫn đến sẽ ngừng sản xuất và giảm việc làm. Natalya Zubarevich còn cho rằng, đối với nền kinh tế và người dân Nga, giờ đây chỉ đơn giản là sự sống còn. Đồng thời đang có một số người trong chính phủ Nga thừa nhận rằng, con đường sẽ khó khăn hơn ở phía trước.
Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cái gọi là perestroika: cơ cấu, tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế
Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp tuần vừa qua, Giám đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo rằng, những gì đã xảy ra cho đến nay là một cuộc khủng hoảng trên thị trường sẽ sớm được cảm nhận trong toàn bộ nền kinh tế Nga. Bà Nabiullina nói rằng, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cái mà bà gọi là perestroika: Là cơ cấu, tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế và một cách thức mới để làm lại mọi thứ.
Cơn đau bây giờ mới bắt đầu
Khi tiết lộ báo cáo trước quốc hội Duma, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đánh giá thẳng thắn về các vấn đề kinh tế của Nga, vì một chính sách trừng phạt trước mắt không thể buộc Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán. Bà lập luận rằng, nếu không có các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, sẽ có "một loạt các vụ vỡ nợ và hiệu ứng domino" trong toàn hệ thống tài chính. Nền kinh tế Nga đang bị thu hẹp sẽ chỉ gây ra thêm làn sóng xóa bỏ tỷ lệ đòn bẩy giữa các bên cho vay — thông qua việc thoái vốn, rút bớt tín dụng cho nền kinh tế hoặc kết hợp cả hai.
Bà thừa nhận: "Quy mô nới lỏng các lệnh trừng phạt tới thời điểm hiện tại là chưa có. Do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài đang hủy hợp đồng với các công ty Nga, nên ngân hàng trung ương của Nabiullina đã buộc phải tăng vốn đảm bảo cho công ty Tái bảo hiểm quốc gia Nga lên gấp 10 lần để đảm bảo có đủ dự trữ để bù đắp tổn thất được bảo hiểm.
Mặc dù tất cả các biện pháp này và nhiều biện pháp khác mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra có thể đã ngăn chặn sự suy thoái tạm thời trong hệ thống ngân hàng, nhưng các công ty thiếu nguyên liệu thô và bị loại khỏi thị trường xuất khẩu của họ sẽ phải chịu đựng những tổn thất nghiêm trọng, dù CBR có cố gắng điều chỉnh trong khi các lệnh trừng phạt vẫn không bị nới lỏng.
"Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nhưng bây giờ chúng sẽ bắt đầu tác động ngày càng đáng kể hơn đến nền kinh tế thực", người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.
Nabiullina còn nhận định rằng, đây là một quá trình tự nhiên và không thể tránh khỏi khi các chuỗi cung ứng điều chỉnh theo các lệnh trừng phạt. Nói cách khác, ngân hàng trung ương bất lực trong vấn đề này vì việc tăng lãi suất chuẩn 17% sẽ không giải quyết được các hạn chế từ phía nguồn cung sắp tới.
"Hiện tại, vấn đề này có thể không nghiêm trọng vì nền kinh tế vẫn còn tồn kho, nhưng chúng ta có thể thấy rằng các lệnh trừng phạt đang được thắt chặt gần như hàng ngày", Nabiullina nói thêm, đồng thời dự đoán không có cách nào nói trước được rằng điều này có khả năng kéo dài bao lâu.
"Đã sang quý II, sắp tiến tới đầu quý III, chúng tôi sẽ tích cực bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu và tìm kiếm mô hình kinh doanh mới cho nhiều doanh nghiệp".
Có thể thấy, còn lại quá sớm để biết hậu quả rõ nét, kinh hoàng mà lệnh trừng phạt lên Nga sẽ hiện rõ như thế nào, vốn chưa từng có tiền lệ dồn dập như thế này để làm cho Putin phải trả giá cho cuộc chiến của mình. Chúng ta cũng không thể dự đoán những hậu quả không mong muốn mà các "thánh phạt" này có thể tạo ra trong những tháng hoặc năm tới. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc chiến - và các lệnh trừng phạt này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian dài.
Huỳnh Dũng -Theo Usnews/Euronews/NPR/ Fortune