Trong Tam Quốc, bên cạnh những cuộc đấu trí giữa ba tập đoàn mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô, các trận đơn đả độc đấu giữa các võ tướng mạnh nhất lúc bấy giờ có lẽ là chủ đề thu hút nhiều người.
Một trong những trận đấu kinh điển, thậm chí kéo dài hàng trăm hiệp mà vẫn chưa phân định được thắng bại, có thể kể đến trận Hứa Chử giao đấu với Mã Siêu.
Hứa Chử có biệt hiệu là "Hổ hầu", với khả năng chiến đấu lợi hại, rất thiện chiến, nổi tiếng với sức khỏe phi thường, sự trung thành và hết lòng vì Tào Tháo.
Trong khi đó, theo Tam Quốc diễn nghĩa, Mã Siêu được xây dựng với hình tượng là một trong những võ tướng đẹp nhất trong Tam Quốc, nổi tiếng có tài bắn tên, vô cùng dũng mãnh với lối đánh thần tốc khiến cho quân địch phải khiếp sợ.
Trước khi gia nhập tập đoàn của Lưu Bị, Mã Siêu từng nổi dậy chống Tào Tháo. Mãnh tướng này từng có dịp giao đấu với Hứa Chử, tướng hộ vệ nổi tiếng của Tào Tháo.
Trận đấu này kéo dài tới 230 hiệp nhưng vẫn chưa phân thắng bại. Theo đó, trận đấu giữa Hứa Chử và Mã Siêu diễn ra trên bờ sông Vị Thủy. Trước đó, Tào Tháo đã trực tiếp ra lệnh xử tử Mã Đằng (cha của Mã Siêu) và tru di tam tộc họ Mã ở trong kinh thành.
Sau khi biết tin, Mã Siêu đã bắt tay với Hàn Toại để cùng nhau dấy binh chống Tào. Tào Tháo biết rõ khả năng của Mã Siêu nên đã sẵn sàng thân chinh dẫn quân. Tuy nhiên, trong trận ở Đồng Quan, Mã Siêu đã trực tiếp đánh bại nhiều tướng của Tào Tháo, thậm chí còn truy sát khiến vị quân chủ này phải cắt râu vứt áo để tháo chạy.
Đại quân của Tào Tháo chuẩn bị vượt sông Vị Thủy để chặn đường lui của quân Tây Lương do Mã Siêu chỉ huy, nhưng đáng tiếc vị tướng họ Mã lại nhìn thấy chiến lược này. Kết quả, quân Tào Tháo chịu thất bại do bị Mã Siêu dẫn theo kỵ binh tập kích.
Tuy nhiên, sau cùng Tào Tháo vẫn vượt sông thành công. Trong thời gian này, hai bên đánh nhau vài trận bất phân thắng bại, nhưng nhìn chung bên Mã Siêu vẫn có thế thượng phong.
Lúc bấy giờ, Tào Tháo đã thống nhất phương Bắc rộng lớn, có thể nói là thế lực mạnh hơn nhiều so với Mã Siêu. Nhưng dù mạnh hơn nhưng Tào Tháo vẫn có lần bị truy sát đến nỗi phải khổ sở tháo chạy. Điều này khiến Tào Tháo không khỏi phiền muộn.
Trong khi đó, Hứa Chử nghe thấy lời than thở của Tào Tháo thì cảm thấy rằng Tào Tháo quá coi trọng Mã Siêu và tự đánh giá thấp bản thân. Do đó, mãnh tướng này xung phong quyết đấu với Mã Siêu.
Tào Tháo cũng muốn có người thay mình trút giận, dạy cho Mã Siêu một bài học nên đã đồng ý cho Hứa Chử được đơn đấu.
Mã Siêu khi đó là chỉ huy của đội quân Tây Lương, trong khi Hứa Chử chỉ là một cận vệ, tướng hộ chủ của Tào Tháo. Rõ ràng cấp bậc không giống nhau nên đương nhiên trận đấu này quả thực không hề đơn giản.
Sau khi Mã Siêu hét lớn gọi "Hổ hầu", Tào Tháo đã cố ý nói một câu để kích thích tinh thần chiến đấu trước khi Hứa Chử xung trận. Tào Tháo nói: "Mã Siêu không kém gì bản lĩnh của Lã Bố khi xưa".
Vì sao Tào Tháo lại cố ý nói như vậy? Đây quả thực không phải là một câu nói bình thường. Tào Tháo nổi tiếng túc trí đa mưu. Câu nói trên cố tình nhắc đến Lã Bố bởi năm xưa Hứa Chử từng có dịp giao đấu 20 hiệp với Lã Bố, nhưng sau đó Tào Tháo đã ra lệnh cho 5 tướng lao tới giải vây.
Chính vì vậy, Tào Tháo nói chưa dứt lời thì Hứa Chử đã ngay lập tức múa đao tế ngựa để chạy ra nghênh chiến với Mã Siêu.
Hai bên đánh hơn 100 hiệp mà chưa phân thắng bại, trong khi ngựa đã kiệt sức. Do đó, hai người phải trở về thay ngựa. Sau đó, cả hai lại tiếp tục đấu thêm 100 hiệp nữa nhưng kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Thấy vậy, Hứa Chử đã quyết định chơi lớn khi trực tiếp cởi cả áo giáp và mũ để vác đao tế ngựa ra quyết chiến. Điều này khiến hai bên quân sĩ đều rất sợ hãi.
Hứa Chử cởi bỏ áo giáp, hy sinh phòng ngự nhằm tăng độ linh hoạt và tốc độ khi giao đấu. Nhưng rõ ràng Hứa Chử đã tính toán sai. Mã Siêu và Hứa Chử đánh thêm 30 hiệp nữa nhưng vẫn chưa phân định được thắng bại.
Lúc bấy giờ, do mất lớp áo giáp bảo vệ nên Hứa Chử bị động trong phòng ngự. Trong khi Hứa Chử giơ đao bổ về phía đầu Mã Siêu, thì Mã Siêu nhanh chóng tránh được và đâm một giáo vào giữa rốn mãnh tướng họ Hứa.
Chính vì vậy, Hứa Chử vội vàng quẳng đao của mình và túm luôn ngọn giáo. Lo ngại Hứa Chử rơi vào thế yếu nên Tào Tháo bấy giờ đã ra lệnh cho Tào Hồng và Hạ Hầu Uyên ra đánh giúp.
Thấy vậy nên Bàng Đức và Mã Đại ở phe của Mã Siêu cũng lao ra đánh tới tấp. Chiến trận rơi vào cảnh hỗn loạn, Hứa Chử bị trúng hai mũi tên, quân Tào trở nên rối loạn, thiệt hại quá nửa khi bị Mã Siêu đuổi riết đến bờ sông. Trận đơn đấu giữa Hứa Chử và Mã Siêu vì thế cũng kết thúc mà chưa rõ thắng bại.
Rõ ràng cả hai đã giao đấu tới 230 hiệp nhưng vẫn chưa có kết cục ai thắng, ai thua. Nhiều người cho rằng, ban đầu Hứa Chử có thế thượng phong khi cởi áo giáp để đấu với Mã Siêu. Điều này khiến mãnh tướng của Tào Tháo di chuyển linh hoạt và có tốc độ ra đòn mạnh hơn. Đương nhiên sự linh hoạt là rất quan trọng khi cận chiến. Thế nhưng, sau đó Hứa Chử vẫn không thể thắng nổi Mã Siêu. Rốt cục trong trận đấu này, ai mới là người chiến thắng?
Trên thực tế, chỉ có Tào Tháo là người nhìn ra kết quả cuối cùng của trận đấu kinh điển này.
Ngay sau khi thấy Hứa Chử quẳng đao xuống và túm lấy ngọn giáo của Mã Siêu, hai bên giằng co, Tào Tháo đã lập tức ra lệnh cho Hạ Hầu Uyên và Tào Hồng ra đánh giúp. Vì sao? Nếu như Hứa Chử có thế thượng phong thì tại sao Tào Tháo lại sai người đến giúp Hứa Chử?
Cuộc đơn đấu giữa Hứa Chử và Mã Siêu là một thách thức từ phía Tào Tháo. Rõ ràng là trận một đấu một, nhưng Tào Tháo lại vi phạm quy tắc của trận đấu khi trực tiếp can thiệp và sai người tới giúp.
Đây không phải là lần đầu Tào Tháo sử dụng phương pháp này. Trước đó, trong trận Bộc Dương, dù Hứa Chử và Lã Bố đánh hơn 20 hiệp bất phân thắng bại, nhưng do cho rằng một người không thể đánh bại Lã Bố, nên Tào Tháo đã sai thêm 5 vị tướng khác cùng lao tới để đánh giúp.
Với sự đánh giá của Tào Tháo, rõ ràng Mã Siêu mới là người thắng trong cuộc đơn đấu kéo dài này. Việc Tào Tháo ra lệnh cho 2 mãnh tướng ra đánh giúp là bằng chứng tiết lộ sự yếu thế của Hứa Chử lúc bấy giờ.
Mặt khác, Mã Siêu và Hứa Chử có tinh thần chiến đấu khác nhau. Được Tào Tháo khích tướng khi ra trận, Hứa Chử chỉ có thể thắng, không được thua, bởi nếu không sẽ rất mất mặt. Hơn nữa, do Hứa Chử chỉ là tướng hộ vệ nên có thể chiến đấu đến chết, bất chấp tính mạng.
Thế nhưng Mã Siêu lại khác. Khi đó, Mã Siêu là chỉ huy của đại quân Tây Lương nên không thể chiến đấu liều chết như Hứa Chử.