Trong Tam Quốc, bên cạnh những mưu sĩ, anh hùng, hào kiệt, còn có những nhân tài kiệt xuất tinh thông nhiều lĩnh vực. Trong số đó, Hoa Đà, vị "thần y" nổi tiếng có thể được coi là một minh chứng tiêu biểu.
Hoa Đà được coi là người có nhiều đóng góp trong lịch sử y học ở Trung Quốc. Thậm chí Hoa Đà còn được xem là một trong bốn vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử nước này.
Hoa Đà, tự Nguyên Hoá, sinh năm 145, ở huyện Tiêu, nước Bái (nay là Bạc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh cảnh chiến tranh diễn ra liên miên, đời sống của người dân khổ cực, dịch bệnh hoành hành nên Hoa Đà đã quyết tâm theo học nghề y để có thể chữa bệnh cứu người.
Khi còn trẻ, Hoa Đà đã đi nhiều nơi như An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc (Trung Quốc)… để học hỏi kinh nghiệm, thế mạnh của các danh y đương thời, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ y thuật của bản thân. Kết quả, Hoa Đà nhanh chóng trở thành thầy thuốc nổi tiếng, đặc biệt là trong những năm cuối của nhà Đông Hán.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hoa Đà được biết tới chủ yếu là khi chữa bệnh cho Quan Vũ. Cụ thể, khi đó, Quan Vũ bị trúng độc do tên bắn nên đã mời Hoa Đà đến chữa trị. Do chất độc đã ngấm vào xương, để chữa khỏi cho Quan Vũ, Hoa Đà đã quyết định mổ để nạo chất độc trong khi Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ.
Dù dụng cụ y tế lúc bấy giờ còn đơn giản, thậm chí còn không có phòng mổ vô trùng nhưng Hoa Đà vẫn có thể tiến hành thành công một cuộc phẫu thuật cho Quan Vũ. Điều này cũng góp phần làm nên danh tiếng của Hoa Đà.
Theo các ghi chép, Hoa Đà còn được biết tới là người đã áp dụng kỹ thuật gây mê, bằng cách sử dụng một hỗn hợp gồm có rượu và thảo dược, được gọi là Ma phí tán. Điều này quả thực gây kinh ngạc. Bởi người phương Tây chỉ áp dụng kỹ thuật gây mê trong khi tiến hành phẫu thuật sau đó 1.600 năm.
Trong "Hậu Hán thư" cũng có ghi chép về sự tồn tại của Ma phí tán. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Ma phí tán không chỉ có tác dụng gây mê mà còn giảm đau, đặc biệt là trong một số ca phẫu thuật. Tuy không thể đạt được hiệu quả gây mê toàn thân, nhưng Ma phí tán quả thực giúp bệnh nhân hôn mê trong quá trình phẫu thuật và từ đó ca mổ có thể diễn ra một cách thuận lợi.
Hoa Đà hành nghề y cả đời và đã cứu được vô số người. Tuy nhiên, vị danh y này cũng từng vô tình thất tín với một người. Đó là Trần Đăng, một mưu sĩ của Tào Tháo, sau trở thành Thái thú Quảng Lăng.
Sinh thời, Trần Đăng duy trì thói quen ăn thịt sống nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Sau khi được Hoa Đà khám bệnh và bốc thuốc, bệnh của Trần Đăng đã thuyên giảm và sức khỏe cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, trước lúc rời đi, Hoa Đà đã căn dặn Trần Đăng rằng không được ăn cá. Ngoài ra, bệnh tình của Trần Đăng sau ba năm sẽ còn tái phát nên lúc đó nhớ cho người tới nhà Hoa Đà để lấy thuốc.
Kết quả, ba năm sau, Trần Đăng thực sự tái phát bệnh và đã tìm đến nhà Hoa Đà. Đáng tiếc, lúc bấy giờ Hoa Đà không có ở nhà, trong khi Trần Đăng đang trong tình trạng nguy kịch và cuối cùng mất mạng.
Trong số các bệnh nhân nổi tiếng của Hoa Đà, Tào Tháo có lẽ là nhân vật đặc biệt hơn cả. Đương thời, Tào Tháo mắc chứng đau đầu nghiêm trọng và phải tìm đến Hoa Đà để trị bệnh sau khi thử nhiều cách mà không có hiệu quả.
Chính nhờ Hoa Đà châm cứu nên bệnh đau đầu của Tào Tháo cũng giảm dần. Tuy nhiên, căn bệnh kinh niên này lại không chữa được tận gốc.
Sau khi thăm khám, Hoa Đà đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh của Tào Tháo. Vì vậy không thể dùng cách châm cứu để chữa bệnh. Thay vào đó, cách duy nhất là mổ sọ nhằm nạo bỏ chất độc ra ngoài. Tuy nhiên, Tào Tháo đã không đồng ý, thậm chí sau đó còn ra lệnh bắt Hoa Đà và xử tội chất.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng: Nếu như Tào Tháo đồng ý cho Hoa Đà thực hiện ca phẫu thuật mổ sọ thì mọi chuyển sẽ trở nên như thế nào? Theo các chuyên gia, kết cục hóa ra chỉ có một mà thôi.
Đó là Tào Tháo chết trong cuộc phẫu thuật này và Hoa Đà sẽ bị xử tử vì điều trị không có hiệu quả cho bệnh tình của Tào Tháo.
Trên thực tế, có nhiều lý do để lý giải cho kết cục trên.
Vì sao ca phẫu thuật của Hoa Đà có thể thất bại?
Thứ nhất, đó là vấn đề kinh nghiệm. Trong y học hiện đại, bác sĩ phẫu thuật não cần phải xây dựng phác đồ, thử nghiệm nhiều lần trước khi bắt đầu tiến hành phẫu thuật thực sự. Tuy nhiên, phẫu thuật não vẫn được coi là những ca đại phẫu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoa Đà lúc bấy giờ tuy có y thuật cao siêu nhưng lại chưa có kinh nghiệm thực hiện các phẫu thuật tương tự.
Thứ hai, tuy có phương pháp gây mê trong phẫu thuật nhưng Ma phí tán của Hoa Đà lại không thể gây mê toàn thân. Ngoài việc gây mê, thời Tam Quốc lúc đó cũng chưa có kỹ thuật khử trùng, ánh sáng, thiết bị, cầm máu, truyền máu nên không thể hoàn thành được cuộc đại phẫu mổ sọ.
Thứ ba, một mình Hoa Đà cũng rất khó có thể thực hiện phẫu thuật mổ sọ người. Bởi vì cuộc đại phẫu này có thể kéo dài. Trong khi y học hiện đại lại có thiết bị điện tử tinh vi để hỗ trợ, còn Hoa Đà chỉ có một mình, vừa thiếu nhân lực vừa chưa đủ thiết bị để thực hiện phẫu thuật. Hơn nữa, trong quá trình mổ sọ, nếu chẳng may có sơ suất, Tào Tháo nhất định sẽ phải mất mạng. Điều này quả thực quá nguy hiểm.
Có lẽ chính bản thân Tào Tháo cũng thấy trước được rủi ro khi thực hiện mổ sọ nên ông đã không làm, đồng thời sau đó cũng nhanh chóng ra tay giết chết vị "thần y" nổi tiếng này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.