Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 26/4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) đã cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học lịch sử ở TP.HCM, Hà Nội và Thừa Thiên Huế tổ chức toạ đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".
Mục đích của buổi toạ đàm là xác minh các sự kiện, nhân vật, di tích, nguồn gốc lễ hội để tôn vinh, phát huy đúng người, đúng việc cũng như trả lại những giá trị chân chính của lịch sử cho các sự kiện, nhân vật mà cụ thể là vua Gia Long lâu nay bị hàm oan.
Theo đó, buổi tọa đàm đã làm rõ việc bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long. Các tài liệu lịch sử được đưa ra tại tọa đàm cũng đã chứng minh không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn.
Một số nhà khoa học cho rằng, Cục Di sản văn hóa đã có sự tùy tiện và tắc trách trong việc ghi danh lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến.
Ngày 27/4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng các nhà nghiên cứu văn hóa và khoa học lịch sử đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trao đổi riêng với Dân Việt về sự việc này, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, việc xem xét để ghi danh một lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều được thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Di sản Văn hóa và Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 mà Việt Nam đã tham gia.
"Di sản văn hóa phi vật thể" nghĩa là các thực hành, hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng cũng như các công cụ, đồ vật, tạo tác và không gian văn hóa liên quan mà các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.
Nội dung của Luật Di sản văn hóa phi vật thể quy định, lễ hội là sản phẩm tinh thần của cộng đồng hoặc cá nhân. Trong di sản văn hóa phi vật thể có rất nhiều loại hình lễ hội, có lễ hội gắn với việc thờ cúng một vị thần thánh có thật hoặc được thần thánh hóa (tức không có thật). Ví dụ như Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là vị thánh có thật. Nhưng cũng có những nhân vật không có thật như Thánh mẫu Liễu Hạnh hoặc Thánh Gióng. Những lễ hội này thể hiện khát vọng của nhân dân với một vấn đề gì đó họ cầu cúng hoặc tôn thờ.
Trong thực tế chúng ta đã có nhiều lễ hội nằm trong danh mục di sản phi vật thể quốc gia và có cả những lễ hội được UNESCO ghi danh. Chẳng hạn như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh cách đây tròn 10 năm. Hoặc Mẫu Liễu Hạnh gắn với Lễ hội Phủ Giầy hoặc Lễ hội Đình Chèm thờ ông khổng lồ Lý Ông Trọng. Tất cả những cái đó đều phù hợp với Luật Di sản văn hóa và đảm bảo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.
Điều 10 của Điều 10 của Thông tư 04/2010 về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quy định tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
1. Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;
2. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ;
3. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;
4. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Nói riêng về việc thờ cúng và lễ giỗ bà Phi Yến, cộng đồng thấy có yếu tố thiêng cho nên di sản được trao truyền từ năm 1785 trong không gian miếu An Sơn và tiếp tục trao truyền cho đến ngày nay. Cho đến thời điểm hiện tại, sức sống của lễ hội này ngày càng được lan tỏa hơn", bà Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.
Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, việc ghi danh lễ giỗ bà Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem xét ở góc độ của Luật Di sản văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa năm 2003, không xem xét dựa trên yếu tố lịch sử.
"Ai cũng nghiêng về lịch sử thì ai sẽ bảo vệ cộng đồng đang thực hành văn hóa đó? Huống hồ di sản đó đang được cộng đồng sở tại thực hành qua nhiều thế hệ, trao truyền liên tục qua một thời kỳ lịch sử lâu dài. Họ đã coi đó là một phần đời sống tinh thần của họ.
Với di sản văn hóa phi vật thể thì đó là câu chuyện của việc thực hành văn hóa, di sản trong cộng đồng. Chúng ta không thể đem cuộc sống hôm nay trở về hôm qua và càng không thể "bê" nguyên xi cái hôm qua để rập khuôn cho hôm nay.
Di sản văn hóa phi vật thể là văn hóa sống, là hiện tại, là vai trò của nó với đời sống của chủ thể. Phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp thông qua các thực hành văn hóa giúp cho cuộc sống của cộng đồng tốt lên. Bản thân lễ giỗ bà Phi Yến là một lễ hội thể hiện khát vọng và mong cầu của người dân, của cộng đồng nơi đó", bà Lê Thị Thu Hiền nói thêm.
Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết thêm, hiện tại Cục Di sản văn hóa chưa nhận được đơn kiến nghị của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, nếu nhận được, Cục Di sản văn hóa cũng sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL để xem xét vấn đề này theo đúng tinh thần của Luật Di sản Văn hóa và Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003.