Cũng như nhiều người, khi ngắm những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh Tuấn, tôi không thể không trầm trồ, thán phục. Cũng là mặt bàn nhưng trên đó anh Tuấn mô phỏng dòng nước biển xanh uốn quanh những đảo lớn, nhỏ, đàn cá bơi lội và những con sao biển lấp lánh.
Đó là đồng hồ treo tường phiên bản bản đồ Việt Nam hay khay đựng bánh nổi bật hình cá vàng uốn đuôi mềm mại, tàu lá sen đọng giọt nước trong veo hoặc lọ hoa, chiếc bút máy, ốp điện thoại với nhiều họa tiết đẹp mắt, cầu kỳ...
Chiêm ngưỡng những sản phẩm đó, tôi phần nào cảm nhận được niềm đam mê, tâm huyết và sự tài hoa của người thợ mộc đã chăm chút cho từng chi tiết, nét vẽ ấy.
Trong khu xưởng sản xuất nhỏ ngổn ngang vật liệu, anh thợ trẻ miệt mài “phù phép” những mẩu gỗ thô sơ, xù xì thành những sản phẩm tinh xảo. Vốc nắm đá cuội rải nhẹ lên dòng nhựa xanh giữa khuôn gỗ đã được bào, đục thành những hình lạ mắt và thêm nét vẽ mô phỏng rong rêu, cá tôm, làn sóng… anh Tuấn chăm chú điều chỉnh từng động tác để mọi chi tiết đạt độ chuẩn xác.
Chờ dung dịch khô kết dính các mô hình, anh tỉ mỉ chà nhám, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm. Khung cảnh đẹp của đại dương đã hiện lên sống động trên mặt bàn phẳng.
Anh Tuấn cho biết, để kết dính các vật liệu, mô hình với nhau, anh dùng nhựa epoxy - loại nhựa hiện sử dụng nhiều trong sản xuất đồ gia dụng, xây dựng, trang trí. Với sự sáng tạo, kiên trì, khéo léo, anh đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao như những chiếc ốp điện thoại có độ mỏng 1,2mm với hoa văn độc đáo; chiếc bút, mặt dây chuyền, nhẫn có họa tiết lạ mắt và đa dạng.
Sống trong gia đình ba đời làm nghề mộc, từ nhỏ, ngoài giờ học, cậu bé Tuấn đã cầm cưa, bào tập làm nghề theo ông và bố. Thế nhưng việc tạo ra vật dụng truyền thống như bàn ghế, giường tủ dường như chưa thỏa đam mê sáng tạo của chàng thanh niên này.
"Hằng ngày, thấy mọi người thường bỏ những phần gỗ thừa, vụn hoặc bán rẻ làm củi, tôi và anh trai có ý tưởng tận dụng để tái chế thành đồ dùng phục vụ đời sống. Nhân một lần tình cờ xem trên Internet, thấy nhóm người nước ngoài dùng nhựa epoxy tạo những sản phẩm độc đáo, chúng tôi tìm hiểu và quyết định ứng dụng tại làng nghề quê mình" - anh Tuấn bộc bạch.
Mô hình sản xuất của anh Tuấn từng được trao giải thưởng tại các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn Bắc Giang; “Sáng tạo xanh” của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Từng học chuyên ngành hóa vô cơ tại Trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ nên anh có thuận lợi khi tìm hiểu về tác dụng của một số loại hóa chất, trong đó có nhựa epoxy.
Từ năm 2017, người thợ trẻ ấy bắt đầu thực hiện và từng bước thành công với mô hình sản xuất mới tại làng nghề truyền thống là kết hợp nhựa epoxy với phế liệu làm đồ mỹ nghệ. Anh Tuấn còn cất công đến Hải Phòng “tầm sư” học vẽ để tạo hình mẫu, hoa văn, họa tiết trên sản phẩm.
Trung bình mỗi tháng, anh làm được 20-30 sản phẩm đều là vật dụng trong gia đình như bàn, ghế, đồng hồ, bình hoa, lọ hoa, khay, đĩa, đồ trang sức... Qua facebook, zalo, nhiều người trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài biết đến những sản phẩm độc, lạ của Tuấn đã liên hệ đặt hàng.
Đơn hàng ngày một nhiều nên anh luôn bận rộn. Không chỉ làm tại nhà, nhiều khách ở các tỉnh, TP có nhu cầu làm sản phẩm có kích thước lớn và sẵn nguyên liệu thường đón anh Tuấn đến nhà hàng chục ngày để làm món đồ yêu thích.
Ngoài những sản phẩm làm theo đơn đặt hàng hoặc khách có sẵn nguyên liệu thì hầu hết đồ mỹ nghệ do anh Tuấn tạo ra đều từ phế liệu như gỗ vụn, mẩu gỗ thừa, vỏ cây, thủy tinh vỡ…
Với anh, bất cứ vật liệu gì xung quanh đều được tận dụng để sáng tạo ra những vật dụng mang lại hiệu quả kinh tế. Anh cho biết, quy trình để tạo ra sản phẩm từ gỗ tái chế không quá khó nhưng đòi hỏi ở người thợ có mắt thẩm mỹ và tay nghề cao.
Hầu hết các công đoạn sản xuất từ bào đục, vẽ, chà nhám, đánh bóng... anh Tuấn thường làm thủ công hoặc sử dụng máy cầm tay để bảo đảm từng chi tiết đúng theo ý tưởng.
Có đồ vật chỉ làm trong hai ngày là xong nhưng có sản phẩm phải làm cả tháng. Tùy kích thước và sự độc đáo, độ tinh xảo mà mỗi mặt hàng có giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.
Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, ngoài thu lãi 20-30 triệu đồng/tháng, xưởng sản xuất của anh tạo việc làm cho từ 4-5 lao động với thu nhập khá. Đây là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tuổi trẻ TP Bắc Giang.
Thành công với ý tưởng mới, anh Tuấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người bởi theo anh, việc tái chế phế liệu không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Anh mở kênh YouTube hướng dẫn làm đồ tái chế từ vỏ cây, thủy tinh, gỗ vụn... giúp mọi người biến những phế phẩm thành đồ có ích để bảo vệ môi trường và tăng thu nhập.
Mô hình sản xuất của anh Tuấn từng được trao giải thưởng tại các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn Bắc Giang; “Sáng tạo xanh” của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Người chủ xưởng cũng được nhận bằng khen, giấy khen trong phong trào thanh niên khởi nghiệp sáng tạo của đoàn thanh niên các cấp. Anh ấp ủ kế hoạch tiếp tục học hỏi thêm nâng cao tay nghề, tìm tòi sáng tạo nhiều sản phẩm "độc" và đáp ứng thị hiếu khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Qua tìm hiểu, anh Tuấn biết rằng hiện nay nhựa epoxy được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ gia dụng, trang trí, xây dựng, công nghiệp bởi bảo đảm an toàn song về lâu dài khi thải bỏ ra môi trường lại khó phân hủy. Bởi vậy, trong sản xuất, anh Tuấn đang giảm bớt nguyên liệu này và tăng các loại vật khác thân thiện với môi trường như gỗ vụn, vỏ cây.
Ngoài đam mê làm đồ mỹ nghệ, chàng trai này còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hai năm trước, anh thành lập quỹ của xưởng, mỗi tháng trích lợi nhuận từ sản xuất để giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã. Anh còn kêu gọi, vận động bạn bè và mọi người ủng hộ tặng đồ chơi, sách vở cho trẻ em nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khu vực bị phong tỏa, người thợ trẻ này kêu gọi qua mạng xã hội ủng hộ hàng chục triệu đồng, hàng tấn nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân trong khu cách ly. Với anh, những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã góp phần giúp mọi người, nhất là trẻ em nghèo vơi bớt khó khăn.